Trong họp báo nhân chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo quyết định nâng cấp quan hệ Việt – Hàn từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện. Quyết định đặc biệt này đã minh chứng cho uy tín và tiềm năng to lớn của Việt Nam trong mắt đối tác Hàn Quốc nói riêng, và các đối tác quốc tế nói chung.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol
Có thể thấy, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc ngay sau khi nước này công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và sáng kiến đoàn kết ASEAN là một khởi hành đầy ý nghĩa, cực kỳ đúng thời điểm đối với cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc.
Trước hết, nhìn từ góc độ kinh tế, hơn 5 năm nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc liên tục gặp nhiều rủi ro khi kinh doanh ở thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Những biện pháp trả đũa của Bắc Kinh đối với việc triển khai tên lửa THAAD, cùng cách hành xử cực đoan của người dân và lao động Trung Quốc đã buộc doanh nghiệp Hàn Quốc phải tính đến đường lùi, thậm chí từ bỏ thị trường nhiều tiềm năng này.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng, với vai trò là nước đang điều phối quan hệ ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024, và Hàn Quốc đang là một trong những nước có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, chính sách linh hoạt mời gọi đầu tư của Nhà nước Việt Nam, lực lượng lao động trẻ, hệ thống khu công nghiệp rộng khắp, và người dân yêu chuộng văn hóa Hàn… cũng là những điểm cộng hấp dẫn.
Đó là cơ sở để một loạt các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc khi tháo chạy khỏi Trung Quốc, đã chọn Việt Nam làm điểm đến. Trong đó, điển hình là Lotte, họ rời bỏ Trung Quốc, mở rộng quy mô kinh doanh ở Việt Nam và đang thành công tại đây.
Nâng cấp mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, sẽ tạo điều kiện để nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cùng nhiều hoạt động hợp tác thương mại đem lại lợi ích to lớn về kinh tế khác cho các bên.
Ngoài ra, về mặt chính trị, và quan hệ quốc tế, việc dành cho nhau quy chế đặc biệt của các đối tác chiến lược toàn diện sẽ cho phép cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có được sự ủng hộ quý báu cho các vấn đề riêng của mỗi nước.
Với Hàn Quốc, là mong muốn sớm nối lại đàm phán hướng tới Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, như Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cùng các nước ASEAN đã luôn ủng hộ mong muốn chính đáng này của đối tác Hàn Quốc.
Với Việt Nam, là tình hình Biển Đông. Hàn Quốc đã khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam, thượng tôn pháp luật, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hợp quốc về Biển Đông 1982 (UNCLOS 1982).
Có thể nói, đúng đối tác, đúng thời điểm là những gì thấy được qua tuyên bố nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam – Hàn Quốc. Mối quan hệ đầy duyên nợ này nhất định còn đem lại nhiều quả ngọt không những cho riêng hai nước, mà còn cho cả cộng đồng ASEAN, và các nước Châu Á – Thái Bình Dương.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: