Ngày 5/10, Chính phủ Malaysia thông báo đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trở thành quốc gia thứ 9 phê chuẩn hiệp định này.
Malaysia chính thức phê chuẩn CPTPP. (Ảnh: moit.gov.vn)
“Hôm 30/9, chính phủ Malaysia đã chính thức nộp văn kiện phê chuẩn CPTPP tới New Zealand, quốc gia lưu chiểu văn kiện CPTPP”, thông báo của Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho hay.
Trong thông báo, MITI đồng thời nhấn mạnh hiệp định thương mại tự do này sẽ đặt Malaysia vào vị trí chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Đông Nam Á trên phạm vi toàn cầu.
MITI cho biết với CPTPP, tổng thương mại của nước này được dự báo tăng lên 655,9 tỷ USD vào năm 2030. Năm 2021, con số này là khoảng 2,2 nghìn tỷ Ringgit (khoảng 481 tỷ USD).
“CPTPP cũng giúp Malaysia tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới như Canada, Mexico và Peru. Đây là các quốc gia mà chúng tôi chưa có hiệp định thương mại tự do song phương. CPTPP cũng giúp chúng tôi tăng cả khăng tiếp cận với nguồn đa dạng vật liệu thô chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, đồng thời tăng sức hấp dẫn của Malaysia như một điểm đến đầu tư”, MITI nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều liên đoàn, hiệp hội ngành nghề tại Malaysia đã kêu gọi Chính phủ nước này sớm phê chuẩn CPTPP do những lợi ích mà thỏa thuận mang lại. Theo Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia, hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm cao su Malaysia cho rằng CPTPP tạo ra tác động tích cực đối với nền kinh tế.
Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Trước khi được 11 quốc gia thành viên ký, CPTPP được biết với tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên, song cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017.
CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore vào tháng 12/2018, đối với Việt Nam vào tháng 1/2019 và Peru vào tháng 9/2021. Trong số 11 quốc gia ký kết tham gia hiệp định này, hiện chỉ còn Brunei và Chile chưa phê chuẩn hiệp định./.
H.Hà (Theo Reuters, Nikkei Asia)