Câu chuyện về một học sinh thách thức “Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đánh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm”, khiến nhiều người phẫn nộ và chua xót thốt lên: “Nghề giáo bây giờ lại bị rẻ rúng đến thế sao?”.
Hình minh họa
Trước đó, con số 16.000 giáo viên bỏ việc trong năm 2022 đã làm sửng sốt nhiều người nặng lòng với giáo dục. Hai năm trở lại đây, bên cạnh nhiều yếu tố có tính cơ chế của ngành giáo dục như lương thấp, biên chế ít, áp lực nghề nghiệp cao, thì thái độ thiếu tôn trọng người thầy của học sinh cũng là lý do ảnh hưởng đến quyết định rời trường lớp của một bộ phận giáo viên. Và câu thách thức “Đánh em đi! Em sẽ kiện cô!” tiếp tục đã trở thành một hồi chuông báo động đượm buồn.
Xưa nay, “tôn sư trọng đạo” là câu nằm lòng đối với nhiều thế hệ người Việt. Trong một vài quan niệm cũ, vị trí của người thầy có lúc còn cao hơn vị trí của người cha (Quân – Sư – Phụ), nên nghề giáo luôn có vị trí đầu bảng trong những nghề cao quý của xã hội. Vậy lý do nào khiến truyền thống đó trở nên mờ nhạt trong vài năm trở lại đây?
Đứng ở góc độ của giáo viên, ngoài trách nhiệm truyền dạy kiến thức, thì giáo dục đạo đức cho học sinh cũng là một nhiệm vụ được xã hội mặc định. Tuy vậy, nhiệm vụ này có vẻ càng lúc càng… bất khả thi, khi học sinh nghĩ về tự do cá nhân nhiều hơn sự hy sinh của thầy cô. Rất ít học sinh nghĩ được rằng nếu không có giáo viên hướng dẫn, họ sẽ không lĩnh hội dễ dàng kiến thức, hệ thống được kiến thức và ứng dụng kiến thức hiệu quả.
Thật ra, mối quan hệ thầy – trò từ trước đến nay của xã hội chúng ta khá một chiều. Người thầy nắm quyền chủ động, quyền cho đi và học sinh chỉ là đối tượng tiếp nhận một cách bị động. Do vậy, khi tiếp cận với quan điểm giáo dục hiện đại, cả thầy và trò đều có những cú “sốc” khá nặng, do không có thời gian thích nghi, tự điều chỉnh cách nghĩ, cách hành động. Ngày trước, học sinh chỉ ngồi im nghe giảng, thậm chí thầy còn đọc cho chép bài.
Ngày nay, học sinh được tham gia nhiều hơn vào bài giảng, được nêu ý kiến, phản biện, tranh luận với thầy cô, để bài học được nhìn nhận đa chiều. Chính những điều này vô hình trung đã khiến cho các giáo viên chưa chuẩn bị tốt tâm lý thấy mình bị mất đi “vị thế độc tôn” trong lớp học. Nhưng ở chiều ngược lại, các học sinh lười biếng, thiếu ý thức học tập, thiếu sự quan tâm sâu sát của gia đình hoặc có sự nuông chiều thái quá từ cha mẹ, sẽ dễ nhìn nhận sự việc theo hướng “ngang hàng với thầy cô, hễ thầy cô đụng đến, sẽ kiện ngay cho mất việc.”
Thêm vào đó, kết quả đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh nặng về phần kỹ năng, kiến thức, nhưng lại tương đối qua loa phần đạo đức, hạnh kiểm. Nhìn nhận thẳng thắn, mục đánh giá hạnh kiểm trong sổ liên lạc như là một mục có để cho hoàn hảo hơn bảng nhận xét của giáo viên mà thôi. Do nhiều tiêu chí và áp lực của từng trường học, mà các hành vi “lệch chuẩn nhẹ” của học sinh luôn được cho qua dễ dàng. Họa hồ lắm, chỉ khi học sinh quá cá biệt, hành xử tiêu cực nặng nề mới nhận được nhận xét của giáo viên chủ nhiệm.
Các xung đột về quan điểm giáo dục giữa thầy và trò đã xảy ra mỗi lúc một nhiều và thường sẽ được biểu hiện theo vài hình thái khá cực đoan. Giáo viên nôn nóng “uốn nắn” học sinh nên dùng biện pháp mạnh, đôi khi còn là xâm phạm đến tự do thân thể của các em; học sinh bị phạt công kích, xúc phạm, đe dọa thầy cô, cho rằng thầy cô chạm đến “vùng cấm tự do cá nhân”. Bên cạnh đó, giáo dục gia đình, và quan điểm của cha mẹ đối với truyền thống “tôn sư trọng đạo” có ý nghĩa quan trọng trong cách ứng xử của học sinh. Các bậc sinh thành trân trọng giáo viên của con, thì học sinh sẽ có cách ứng xử tương tự, và ngược lại.
Đã đến lúc, cần nhìn nhận lại những bất cập trong quan hệ thầy – trò để chấn chỉnh. “Tự do cá nhân” hẳn nhiên cần phải được tôn trọng, nhưng song song đó, phải có một hệ thống các nội quy được luật hóa chặt chẽ, chi tiết trong trường học dành cho giáo viên và học sinh. Đến trường, cả thầy và trò đều phải có ý thức làm chủ hành vi sao cho phù hợp, khi ứng xử đi ra ngoài những điều được quy định, lập tức phải chế tài, một cách công khai.
Không nên để giáo viên và học sinh… tự hiểu. Hãy minh bạch mọi điều cần làm và không được phép làm trong trường học.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: