Một quốc gia phát triển thực sự là một quốc gia đứng trên nền tảng của những giá trị văn hoá độc đáo, lành mạnh. Một dân tộc thực sự tự hào mình là một dân tộc độc lập chỉ khi có một nền văn hoá đậm đà bản sắc. Văn hoá, do đó, là cội nguồn của sức mạnh quốc gia, dân tộc.
Lễ giỗ tổ Hùng Vương lại càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa người Việt Nam.
Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần đẹp đẽ, ý nghĩa nhất của một quốc gia, dân tộc. Vì lẽ đó, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, là ngọn nguồn để quốc gia vươn mình mà phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vai trò của văn hoá càng phải được nhấn mạnh. Bởi lẽ, đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Một quốc gia giàu mạnh về kinh tế sẽ chẳng là gì nếu nền văn hóa của họ bị “vấy bẩn”, “lai căng”. Cũng như sự ổn định về chính trị của một nước sẽ không thể duy trì nếu văn hóa của nước đó bị “hòa tan”.
Văn hoá chính là “mã định danh” của quốc gia. Sẽ hết sức sai lầm nếu đánh mất văn hóa, vì điều đó đồng nghĩa với việc đánh mất “chân dung” của chính mình, lệ thuộc vào thế giới. Tồn tại mà lệ thuộc thì không thể có độc lập, tự do và tất nhiên, cũng không thể có được sự phát triển ổn định và bền vững. Hơn nữa, đánh mất văn hóa còn là sự đoạn tuyệt với chính nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc, mà trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta rất cần thứ nội lực đó. Chưa kể, giữ gìn những nét đẹp của văn hóa cũng là một cách để cải thiện hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế.
Ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đã được cha ông ta từ bao đời nay quan tâm đúng mực. Trong những thời điểm ngặt nghèo nhất, tinh thần ấy càng có điều kiện xuất hiện và tỏa sáng. Ở thời Bắc thuộc, biểu hiện rõ nhất của sự bảo tồn giống nòi và văn hóa Việt để chống đồng hóa là sự bảo tồn tiếng Việt. Không những thế, nhiều nếp sinh hoạt truyền thống của người Việt vẫn được duy trì, như tục búi tóc, xăm mình, ăn trầu, …Có thể nói, giữ gìn văn hoá, bản sắc người Việt là phương tiện để giữ được ý thức dân tộc, là điều kiện để phục hưng độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là câu trả lời đanh thép và hùng hồn nhất cho kết quả của ngàn năm Bắc thuộc – một dân tộc vẫn sống, vẫn trường tồn.
Bước sang thế kỷ XIX, XX, chúng ta lại được dịp nhìn thấy tinh thần ấy từ những chí sĩ yêu nước như nhà văn hóa Phạm Quỳnh, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Hầu hết đều trưởng thành từ nhà trường Tây học, nhưng với họ, tinh thần dân tộc và độc lập của dân tộc chỉ thực sự đủ đầy khi người Việt giữ gìn văn hoá Việt. Nguyễn An Ninh đã từng phát biểu: “Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc. Một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa của riêng mình”. Ông nói nhiều đến văn hóa và xem đó như là cốt lõi của một dân tộc, một quốc gia, là căn cốt cơ bản để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, là thứ duy nhất khẳng định sự tự tôn và chỗ đứng của người Việt Nam trên thế giới. Cùng suy nghĩ với Nguyễn An Ninh, Phạm Quỳnh quan niệm văn hóa là “gốc”, chính trị là “ngọn”, “gốc” có vững thì “ngọn” mới tốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.
Tiếp nối thế hệ cha ông, nhân buổi làm việc với Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Văn hóa còn là đất nước còn, văn hóa mất là đất nước mất”. Trên cơ sở kế thừa thành tựu từ những người đi trước, kết hợp học hỏi kinh nghiệm từ các nước, nhiều năm qua, Việt Nam đã không ngừng có những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Đăng Võ
Nguồn: Cánh cò