Việt Nam là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ 3 thế giới, trong đó, hai thương hiệu mì được ăn nhiều nhất ở nước ta là Hảo Hảo và Omachi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều người đang từng ngày đánh đổi sức khỏe của mình với cảm giác tiện lợi.
Sản phẩm mì gói Omachi hương vị tôm chua do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide.
Ngày 23/8, Hãng tin CNA (Đài Loan) cho hay, các cơ quan chức năng của vùng lãnh thổ này đã phát hiện mì ăn liền Omachi xuất xứ từ Việt Nam có chứa chất cấm Ethylene Oxide (EO). Lô sản phẩm sau đó đã bị trả về và tiêu hủy.
Sau câu chuyện mì tôm chua cay Hảo Hảo bị Ireland cảnh báo và thu hồi với lý do phát hiện EO vào tháng 8 năm ngoái, liên tiếp các vụ việc tương tự xảy ra với các thương hiệu khác như: Thiên Hương, Nguyễn Gia, Cổ phần thực phẩm Á Châu…khiến hình ảnh thực phẩm ăn liền của Việt Nam bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng.
Đối diện với công luận, hầu hết nhà sản xuất bị nêu tên đều khẳng định mình hoàn toàn tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam. Cá biệt, Acecook Việt Nam còn thông báo kết quả kiểm nghiệm ngay sau đó cho thấy hàm lượng 2-CE trong mì Hảo Hảo tôm chua cay của họ thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada (940 mg/kg) và một số quốc gia khác.
Với vụ việc mì Omachi, chiều 24/8, Masan Consumer đã nhanh chóng phản hồi thông tin của CNA, khẳng định họ không bán hoặc xuất khẩu sản phẩm mì Omachi cho nhà nhập khẩu Qianyu Co., Ltd, có trụ sở tại Đài Loan, và các sản phẩm xuất khẩu của Masan Consumer luôn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng của các nước sở tại.
Vậy, điều gì đã xảy ra, khi các thông tin chúng ta nhận được từ trước đến giờ đều có vẻ như chẳng ai có lỗi?
Trên thực tế, EO được Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA) phân loại là chất gây đột biến, chất gây ung thư và chất độc hại gây vô sinh. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật di truyền. Việc phơi nhiễm lâu dài với chất này còn là nguyên nhân gây ra các căn bệnh liên quan đến thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại biên.
Rõ ràng, qua vài dữ liệu trên, ta hiểu được tại sao EU, Đài Loan và nhiều nền kinh tế lớn khác kiểm soát gắt gao EO trong thực phẩm nhập khẩu.
Ở Việt Nam, EO không phải là chất phụ gia, nên không được dùng trong thực phẩm. Tuy vậy, các nhà sản xuất lại thường sử dụng chất này trong quá trình khử trùng sản phẩm. Đó là lý do tại sao EO dù không có mặt khi sản xuất, nhưng vẫn được phát hiện tồn dư trong sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm càng có nhiều thành phần như mì khô, phở khô, bún khô kết hợp gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt… càng khó kiểm soát tồn dư EO.
Cho đến tận lúc này, Việt Nam vẫn chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng chất này trong thực phẩm, dù ngay sau vụ việc mì Hảo Hảo, tháng 9/2021 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đôn đốc vấn đề trên.
Đã đến lúc phải nhanh chóng xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu, giới hạn Ethylene Oxide trong thực phẩm. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần chung tay hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ tồn dư EO trong thực phẩm nói chung, mì ăn liền nói riêng. Đây thật sự là chuyện quan trọng, không thể xem thường. Nếu chúng ta muốn giảm tỉ lệ ung thư trong người dân, mở rộng và chiếm lĩnh châu Âu – thị trường được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cao nhất, từ 15%- 50% (tùy quốc gia) – trong 4 năm tới.
Cần hành động ngay, đã quá trễ rồi! Chúng ta không thể để chất độc ngang nhiên được đưa vào hàng triệu cơ thể người dân mỗi ngày một cách hợp pháp, cũng không thể để thực phẩm chế biến của Việt Nam mất uy tín trên thị trường thế giới thêm nữa!
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: