Sau hai tuần vắng bóng dường như để dự hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tập đến thăm Liêu Ninh, phát đi thông điệp về phát triển kinh tế và thịnh vượng chung.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/8 tới thăm thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, tây bắc nước này, sau hai tuần vắng bóng trên truyền thông. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy ông Tập và các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã hoàn thành cuộc họp kín thường niên tại khu nghỉ mát bên bờ biển Bắc Đới Hà, phía đông thủ đô Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Liêu Ninh ngày 16/8. Ảnh: Xinhua.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 16/8 cũng tái xuất sau hai tuần khi tới thăm Thâm Quyến, trung tâm công nghệ chủ lực của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông. Ông nhấn mạnh những vùng kinh tế năng động nhất nước cần “gánh vác trách nhiệm nhiều hơn” nhằm ổn định nền kinh tế quốc gia đang đối diện nhiều thách thức.
Các chuyến thị sát của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được nối lại đồng nghĩa quá trình xây dựng đồng thuận chính sách và hoạch định chiến lược tương lai cho Trung Quốc tại hội nghị Bắc Đới Hà đã hoàn tất, theo bình luận viên Rebecca Choong Wilkins của Bloomberg.
Chúng cũng diễn ra trước khi các lãnh đạo Trung Quốc dự kiến họp lại ở Bắc Kinh cuối tháng này để thảo luận những vấn đề cấp bách nhất với thực trạng và tương lai đất nước, nhằm chuẩn bị cho đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm.
Theo giới quan sát, việc ông Tập tới thăm Liêu Ninh, vùng trọng điểm công nghiệp nặng phía đông bắc, vào thời điểm này phát đi thông điệp rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung hướng đến mục tiêu hiện đại hóa đất nước, củng cố định hướng thịnh vượng chung mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Trong khi chuyến công tác của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Thâm Quyến tập trung vào kinh tế, những hoạt động của ông Tập ở Liêu Ninh, địa phương vốn bị đánh giá là có dấu hiệu dần tụt hậu so với các vùng duyên hải còn lại, có thể nhằm nhấn mạnh phương diện bình đẳng xã hội.
Chuyến thăm của ông Tập tới bảo tàng ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh cũng mang tính biểu tượng chính trị. Đây là nơi kỷ niệm trận đánh then chốt năm 1948, giúp lực lượng của ông Mao Trạch Đông kiểm soát vùng đông bắc Trung Quốc từ Quốc dân đảng.
Chiến dịch năm 1948 ở Liêu Ninh – Thẩm Dương là một trong ba chiến dịch lớn nhất của quân giải phóng trong giai đoạn cuối cuộc nội chiến, kéo dài hơn một tháng với sự tham gia của hàng trăm nghìn người.
Chiến thắng Liêu – Thẩm giúp quân giải phóng lần đầu tiên giành được ưu thế chiến lược về quân số trước Quốc dân đảng. Trận chiến là thất bại chí mạng đối với lực lượng của Tưởng Giới Thạch, buộc họ phải chạy sang đảo Đài Loan năm 1949.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng đến thăm một khu bảo tồn rừng và trao đổi với dân địa phương về mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Ông tái khẳng định công cuộc hiện đại hóa quốc gia cần được thực hiện với tôn chỉ thịnh vượng chung.
“Hiện đại hóa của Trung Quốc là hiện đại hóa toàn dân, mang lại giàu có và hạnh phúc cho toàn dân chứ không dành riêng cho một nhóm nhỏ trong xã hội”, ông nói.
Hai lần gần nhất ông Tập thị sát tỉnh Liêu Ninh là vào các năm 2013 và 2018. Trong hai chuyến công tác, ông liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách kinh tế nhà nước và thúc đẩy sáng tạo, quản lý hiện đại nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh cho khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Khu tưởng niệm Chiến dịch Liêu – Thẩm ở Liêu Ninh ngày 16/8. Ảnh: Xinhua.
Thông điệp ông Tập phát đi từ Liêu Ninh, kết hợp với chuyến thăm Thâm Quyến của ông Lý, cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô và chú trọng phát triển đồng đều hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung” là những nội dung quan trọng nhất được thống nhất tại kỳ họp Bắc Đới Hà, theo bình luận viên Wilkins.
Bắc Kinh vẫn chưa ấn định ngày tổ chức đại hội đảng toàn quốc. Giới quan sát nhận định sự kiện có thể được tổ chức vào giữa tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Quy trình bầu đại biểu tham dự đại hội đã được đảng bộ các cấp khởi động từ tháng 11/2021.
Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn, khi dự báo tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi căng thẳng với Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan tiếp tục gia tăng.
Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và giá trị đầu tư của Trung Quốc đều chững lại trong tháng qua. Dù thị trường việc làm có dấu hiệu khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại Trung Quốc đạt 20%, mức chưa từng có ở nước này.
Craig Botham, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại trung tâm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Pantheon, đánh giá giới lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung giải quyết thách thức kinh tế. Điều này được thể hiện qua loạt chính sách như gói tài chính giải cứu ngành bất động sản, thử nghiệm mới cho mô hình bong bóng sản xuất để giải quyết bất cập trong chiến lược “Không Covid” và tăng trợ cấp chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì các biện pháp phong tỏa ngăn đại dịch.
Một số ngân hàng đầu tư quốc tế lớn đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay còn 3%, thấp hơn nhiều so với con số 5,5% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra. Hui Shan, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của ngân hàng Mỹ Boldman Sachs, lo ngại Trung Quốc đang sở hữu ngày càng ít công cụ để đối phó với loạt thách thức kinh tế hiện nay.
Bởi vậy, chuyến thăm Liêu Ninh dường như còn là cơ hội để ông Tập kêu gọi người dân tiếp tục tin tưởng vào đường lối điều hành mà Bắc Kinh đã vạch ra, Wilkins nhận định.
Thông điệp của ông Tập trong chuyến thăm đồng thời nhấn mạnh các chỉ thị của chính phủ về duy trì ổn định, kiểm soát đại dịch, phát triển kinh tế và xã hội cần được tuân thủ tuyệt đối.
“Trung Quốc cần quyết tâm tự lực tự cường, đặt phát triển đất nước và con người làm nền tảng sức mạnh quốc gia, kiên định chủ động phát triển”, ông Tập nhấn mạnh.
Thanh Danh (Theo SCMP, Bloomberg, Guardian)