Nhiều cửa hàng nhận “trao đổi hàng hóa bằng tiền ảo Pi”, nhưng thực chất khách hàng vẫn phải trả cả Pi và tiền mặt nếu muốn lấy hàng.
“Họ chỉ dùng Pi để dụ khách vào mua, đến khi thanh toán lại phải đưa tiền thật”, Thanh Sơn (TP HCM) kể sau khi liên hệ mua iPhone từ một bài rao trên nhóm trao đổi Pi.
Giống như nhiều người sở hữu Pi khác, sau khi tiền ảo này có thể trao đổi hôm 13/7, Sơn lên các cộng đồng Pi với hy vọng có thể sử dụng số coin của mình đi mua hàng hoặc bán lấy tiền. “Thấy bài rao bán iPhone, tôi ước tính chỉ cần bỏ ra chục Pi là có thể đổi lấy điện thoại”, anh kể.
Tuy nhiên khi liên hệ, anh mới “ngã ngửa” vì chính sách thật sự của cửa hàng. Họ nhận 90% bằng tiền mặt, còn 10% bằng Pi. Chiếc iPhone 11 Pro Max đã qua sử dụng được cửa hàng định giá gần 14 triệu đồng, yêu cầu người mua phải trả 12,5 triệu đồng cùng 1,5 Pi.
“Với 12,5 triệu đồng, tôi hoàn toàn có thể mua một chiếc iPhone tương tự trên thị trường máy cũ mà không mất Pi nào”, Sơn nói và cho rằng đây có thể chỉ là chiêu của cửa hàng nhằm hút khách từ cộng đồng người sở hữu Pi. Sau thương vụ bất thành trên, anh tiếp tục thử liên hệ một số người bán đồ điện tử, nhưng phần lớn đều nhận câu trả lời tương tự. “Một số nơi yêu cầu trả ít tiền mặt hơn, nhưng họ lại định giá Pi quá thấp nên tôi không chấp nhận”.
Giao dịch Pi được hiển thị trên trang Pi blockexplorer. Ảnh: Lưu Quý
Tình trạng các cửa hàng nhận thanh toán bằng Pi xuất hiện nhiều trên các hội nhóm từ giữa tháng 7, bất chấp việc mua bán hàng hóa bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Ở giai đoạn có tên “mainnet kín” này, người sở hữu Pi chỉ có thể giao dịch trong cộng đồng Pi với nhau. Vì vậy, họ phải tìm đến những người bán có mặt hàng mong muốn và chấp nhận trả bằng tiền ảo. Hiện chưa có thống kê về các cửa hàng nhận Pi, nhưng trên hội nhóm online, các mặt hàng khá đa dạng, từ thực phẩm, đồ điện tử, dịch vụ y tế, xe hơi… Người mua và bán cũng hướng dẫn nhau dùng từ “trao đổi” thay vì “thanh toán” để lách luật.
Bên cạnh một số người khẳng định đã giao dịch được bằng Pi, không ít người đào Pi khác thừa nhận họ có nguy cơ mất tiền hoặc mất Pi vì tin các “thương gia”. Tình trạng phổ biến là một số cá nhân tự nhận là người bán, viện cớ “xây dựng hệ sinh thái hàng hóa cho Pi”, nhưng thực chất là bán hàng giá cao, hoặc số Pi được mang ra giao dịch chỉ mang tính chất tượng trưng. Chẳng hạn, một cửa hàng máy tính đăng bài “nhận thanh toán bằng Pi”, nhưng thực chất là một Pi cộng với số tiền đúng bằng giá niêm yết của sản phẩm.
Một số người cho biết đã phải chi 10 triệu đồng để mua lại suất đặt cọc cho một chiếc xe tiền tỷ. Chiếc xe này, theo lời người bán, là “dành cho cộng đồng Pi”, khiến nhiều người lầm tưởng có thể mua xe bằng Pi. Tuy nhiên thực chất, họ sẽ vẫn phải đợi đến khi Pi có thể bán lấy tiền thật và dùng số tiền đó đi mua xe.
“Khi mainnet mở, Pi Network sẽ được đưa lên sàn giao dịch. Lúc ấy các bạn đang sở hữu Pi sẽ chuyển sang tiền pháp định. Sau đó, các bạn mang tiền đến nộp cho đại lý và lấy xe về nhà”, người bán giải thích sau đó. Trên trang cá nhân, người này cũng cho biết đã chuyển nhượng được hơn 100 suất cọc cho những người sở hữu Pi tại nhiều tỉnh thành trong nước.
Tuy nhiên, việc mua lại cọc này thực chất chỉ có lợi cho người bán. “Pi trong trường hợp này chỉ là cái cớ để họ bán được nhiều hàng. Nếu sau này Pi không lên sàn, người dùng không đủ tiền mua xe có thể còn mất cọc”, một chuyên gia nhận định.
Hiện các nhà phát triển Pi Network chưa đưa ra thời gian cụ thể cho việc “lên sàn” tiền số. Trong công bố cuối năm ngoái, nhóm cho biết sẽ tiến hành khởi chạy mạng chính thức (mainnet), nhưng chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là các giao dịch trao đổi hàng hóa giữa những người sở hữu Pi, giai đoạn sau là đưa Pi lên sàn để trao đổi với các loại tiền tệ khác.
Để có thể trao đổi Pi, điều kiện cần là cả người mua và người bán đều đã được xác minh danh tính (KYC) và có tiền ảo trong ví. Nhiều người sở hữu Pi tại Việt Nam cho biết đã đào Pi suốt ba năm, nhưng chưa thể làm được gì do chưa được KYC. Theo công bố của dự án hồi cuối tháng 6, hiện có khoảng 1,5 triệu người đã được KYC, trong số hơn 35 triệu người dùng.
Hiện tại, nhiều người Việt cho biết đã mua hàng bằng Pi dựa trên “giá đồng thuận”, tức do người mua và người bán tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng tiền ảo là trái pháp luật tại Việt Nam. Người phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Lưu Quý (VnExpress)