Theo quy định của Sở GD-ĐT Bình Thuận, từ năm học 2017 – 2018, tất cả học sinh (HS) của tỉnh đều phải học bơi, nhưng hầu như các trường đều không có hồ bơi, phải đi thuê.
Hồ bơi của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TT.Lương Sơn, H.Bắc Bình) được đầu tư theo hình thức xã hội hóa
Thậm chí có những vùng khó khăn trong tỉnh Bình Thuận không có hồ bơi để thuê.
Ông Lữ Duy Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TX.La Gi, cho biết cả thị xã có tới hàng chục trường với khoảng vài ngàn HS nhưng không có hồ bơi nào. “Năm nay theo quy định bắt buộc phải cho các cháu học bơi nhưng chúng tôi chưa biết lấy đâu ra hồ bơi mà dạy. Hiện Phòng GD-ĐT định thuê hồ bơi ở các resort trên địa bàn để các em học”, ông Minh nói.
Ngay tại TP.Phan Thiết cũng không trường học nào có hồ bơi. Ông Thân Trọng Lê Hà, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Phan Thiết, cho biết năm học vừa qua các trường đều đi thuê hồ bơi của tư nhân và tỷ lệ HS được học bơi còn thấp do thiếu hồ. Theo ông Hà, Phòng GD-ĐT đã tính đến chuyện kêu gọi xây dựng hồ bơi cho trường học theo hình thức BOT, nhưng vướng về thủ tục đất đai. “BOT hồ bơi trong trường, tức là lấy đất của nhà nước cho nhà đầu tư làm hồ bơi. Mà họ bỏ vốn ra xây dựng thì phải thu hồi vốn. Cái này thành phố chưa có chủ trương nên rất khó, vì ngành giáo dục không có chức năng cho thuê đất”, ông Hà nói.
Ở H.Bắc Bình, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, việc xây dựng hồ bơi cho HS là khó khả thi. Ông Trần Sơn Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Lâm (H.Bắc Bình), cho hay do đặc thù vùng cao, người dân còn khó khăn nên việc đầu tư xã hội hóa xây hồ bơi là rất khó. “Hiện nay hồ bơi ở tận TT.Lương Sơn, cách trường 20 km, việc đưa HS xuống học bơi là vô cùng khó khăn. Thế nhưng việc xin kinh phí xây dựng hồ bơi cũng khó không kém”, ông Hà nói. Trưởng phòng GD-ĐT Bắc Bình, ông Nguyễn Long cho hay phòng đã chủ động tham mưu với UBND huyện xây dựng thí điểm tạm thời 3 hồ bơi theo hình thức BOT.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, cho biết: “Nếu chờ ngân sách thì rất khó. Việc kêu gọi BOT là giải pháp phù hợp nhất hiện nay để giải quyết tình trạng thiếu hồ bơi. Còn thủ tục đất đai khi xây dựng BOT không phải là khó. Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho tỉnh tháo gỡ bằng một chủ trương cụ thể. Không nhất thiết trường nào cũng xây dựng hồ bơi. Chẳng hạn như H.Bắc Bình, họ xây theo cụm trường. Hồ bơi của một trường có thể cho các trường lân cận cùng sử dụng, trên cơ sở nhà đầu tư thu tiền theo giá được các cơ quan chức năng cho phép”, ông Thái nói.
Quế Hà – Thanh niên Online