Việc phê bình và khảo cứu những vấn đề về ngôn ngữ trong các cuốn sách của nhà giáo Nguyễn Lân (NL) mà anh Hoàng Tuấn Công (HTC) đã công bố là điều đáng ghi nhận. Nhưng thái độ phê bình, phương pháp phê bình của HTC là rất đáng ngại.
Ngôn ngữ phê bình của HTC là thứ ngôn ngữ nhục mạ, thiếu tôn trọng người viết, đó là chưa kể người ấy đã khuất, đáng bậc cha ông mình như cụ NL.
Hàng loạt các từ ngữ nặng nề mà một người thầy cũng chưa dám phê trò thì HTC đều sử dụng khá nhiều. HTC viết ông NL “ngây thơ” trong ý nghĩ, hay là sự thiếu hụt về vốn từ tiếng mẹ đẻ”; nào là “chưa hiểu hết tiếng mẹ đẻ, chưa dùng đúng tiếng dân tộc”. Lời lẽ này đã cho ông NL khác nào trẻ con, ngôn ngữ nghèo nàn đến mức “chưa hiểu tiếng mẹ đẻ”.
Chỗ khác HTC viết: “vấn đề không phải kiến văn hẹp mà phải nói khả năng kiến văn của GS Nguyễn Lân không tốt. Tức óc quan sát, tư duy ghi nhận sự vật hiện tượng trong cuộc sống mờ nhạt, nông cạn”; đến mức thua “người không được học hành, cũng có thể sử dụng chính xác, thành thạo. Lời lẽ này lại cho ông NL không bằng người thất học, thậm chí tư duy “mờ nhạt, nông cạn, một tư duy thiếu chặt chẽ, mạch lạc.”
Từ đó HTC kết luận “sự thiếu hụt về vốn từ tiếng mẹ đẻ không chỉ khiến GS Nguyễn Lân hiểu sai hàng loạt từ ngữ trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, mà còn trở thành nguyên nhân chính trong việc giải thích sai rất nhiều thành ngữ, tục ngữ trong sách Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam mà chúng tôi từng nêu…việc GS trong biên soạn ra các loại Từ điển “rất có hại cho tiếng Việt”.
Đấy là kiểu văn bút chiến, cố tình nhục mạ đối thủ chứ không phải kiểu văn tranh biện. Đó là chưa kể hàng loạt các từ “bút phê”: sai!, không đúng, chưa đúng, thiếu ý, còn chung chung…
Điều đáng nói là HTC phê cụ NL như vậy nhưng nhiều chỗ phân tích, HTC cũng không đúng, thiếu ý, còn chung chung, còn sai. Đó là cái nhìn chủ quan, tự cho mình là đúng còn người bị phê là sai. Chúng ta biết rằng, thành ngữ, tục ngữ là đa nghĩa và nó có nghĩa phái sinh theo thời gian, tùy hoàn cảnh nói năng mà nó có nghĩa này mà không phải nghĩa kia.
Vả lại, có chỗ cụ NL viết khái quát, thiếu ý thì chưa hẳn đã sai bởi cách viết từ điển yêu cầu phải khái quát. Cần phải có cái nhìn biện chứng, quan điểm lịch sử trong phê bình. Thời cụ NL, việc nghiên cứu văn học, ngôn ngữ chưa phát triển cao. Trong văn học dân gian, thời kì đầu, ngay cả chuyên gia Nguyễn Đổng Chi cũng chưa phân biệt rạch ròi các thể loại truyện kể dân gian.
Về ngôn ngữ, cho đến bây giờ, vẫn có giáo trình của bậc giáo sư quan niệm sai về một số lĩnh vực, ví như từ láy bởi thời đó chưa có nghiên cứu thấu đáo về từ nguyên nên cứ thấy một từ hai âm tiết mà một trong hai hoặc cả hai không rõ nghĩa nhưng láy âm đầu hoặc vần là từ láy. Về sau, khi nghiên cứu từ nguyên phát triển, nhiều từ được cho không có nghĩa hoặc mờ nghĩa đều có nghĩa thì chúng không còn tư cách từ láy nữa. Đó là chưa kể có các quan điểm khác nhau trong nhận định một vấn đề mà chưa hẳn đã sai. Thời cụ NL, viết như vậy là rất đáng trân trọng.
Một công trình của một nhà khoa học, dù rất cẩn thận vẫn có sai sót. Công trình của giáo sư cũng vậy. Chỉ có điều GS thì viết nhiều nhưng sai ít hơn còn người chưa GS viết ít hơn và sai nhiều hơn. Tuy nhiên, thái độ đánh giá của bạn đọc như thế nào, ứng xử ra sao?
Dân gian nói “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói có ảnh hưởng rất lớn “Lời nói đọi máu”. Người viết sai, mọi người có quyền phê bình, GS sai, học trò, bạn đọc có thể phê bình, điều đó không ai phản ứng. Học trò hơn mình, thầy càng thấy tự hào, “con hơn cha nhà có phúc” và “thế hệ sau hơn thế hệ trước” thì xã hội phát triển.
Các GS thầy nào cũng nhân văn, độ lượng, không có thái độ khó chịu khi học trò thấy cái sai của mình và không đồng ý với mình. Tôi nhớ khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ. Trong luận án của mình, tôi không đồng ý với thầy về một vấn đề, thầy biết, không giận, lại còn cho tôi 10đ. Phê bình cần có phương pháp phù hợp để người viết tự biết mình chưa đúng nhưng không bị xúc phạm. Chỉ cần mình viết “tôi không nhất trí, theo tôi thì như thế này, ý này có lẽ nhầm chăng?…” là người bị phê đã tự biết rồi.
Cụ NL sẽ thấy thỏa mãn và gia đình cũng không khó chịu khi HTC phản biện đúng mực, biết trân trọng công trình của người đi trước. Người học trò hơn thầy không phải là họ giỏi hơn mà họ biết đứng trên vai thầy trong điều kiện xã hội tốt hơn thầy.
Xã hội yêu cầu cao ở các bậc chức PGS.TS, GS.TS là chính đáng nhưng không phải vì thế mà từ một lỗi nhỏ, một sơ suất không đáng, bị soi kính hiển vi, phóng đại lên rồi dùng lời lẽ ngoa ngôn lu loa lên rằng GS mà như thế à…
Có người văn hóa kém, thường mạt sát, chửi đổng người khác trên mạng thông tin đại chúng mà không tìm ra lí do nào xác đáng, không tranh luận đúng mực. Với cách làm như vậy, họ chỉ tự bôi xấu mình mà thôi. Có người chưa đọc, chưa tìm hiểu, thấy bạn mình nhận xét cũng a dua nói theo, dùng những từ ngữ nhục mạ xúc phạm đến danh dự người mà không thích.
Tôi trân trọng những gì anh HTC viết trong cuốn sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu”, có những chỗ anh phê là xác đáng nhưng không phải tất cả những gì anh phê đều đúng, anh cũng không đúng ở những phương diện khác nhau mà một số bài viết trên báo Infornet đã đăng.
Báo Infornet tạo nên một diễn đàn tranh luận công khai để tìm ra chỗ được và chưa được của HTC là bổ ích. Đây là dịp để trao đổi chuyên môn rất tốt. Những người viết bài nhằm trao đổi thêm với HTC, giúp anh nhận ra chỗ mình chưa hợp lí và hơn nữa để anh có cái nhìn linh hoạt hơn về lỗi của người khác.Tuy nhiên, lại có một số người quen tư duy bầy đàn cho những người viết chỉ ra chỗ chưa đúng của HTC có ý “bênh” cụ NL và hạ thấp HTC.
Khoa học là phải sòng phẳng, không phải vì yêu ai thì cho người ấy đúng, ai phê bình người mình yêu thì phản công với những lời lẽ thô tục. Mặt khác, người viết có lỗi sai cũng cần thành khẩn, nghiêm túc sửa chữa, không cố cãi cày cãi cối cho mình là đúng. Mình, người thân của mình viết sai thì sửa chữa, hiệu đính, viết thêm cho đúng và hay hơn chứ không nên bảo thủ.
Bạn đọc sẽ trân trọng HTC biết bao khi anh phê bình, tranh luận đúng mực. Phản biện khoa học là cần và đáng khuyến khích nếu sự tranh luận đó mang lại không khí hài hòa, biết trân trọng người đi trước. Về phương diện lịch sử, các công trình của cụ NL vẫn có giá trị tham khảo trong lịch sử vấn đề nghiên cứu. Thế hệ trẻ bây giờ là những người được đào tạo bài bản, họ sẽ thấy điểm nào ở sách cụ NL đáng tham khảo và chỗ nào không. Mà không chỉ riêng sách cụ NL, các sách của các tác giả khác cũng vậy, bạn đọc sẽ tham khảo những chỗ cần cho họ mà thôi.
– Văn Duy Đức (Infonet)