Trang New York Times đưa tin, IS đã và đang mở ra chuỗi ngày tang tóc tại Afghanistan, mặc cho Taliban từng hứa đảm bảo an ninh cho các nhóm thiểu số ở Afghanistan. Hàng loạt vụ tấn công gần đây cho thấy họ một lần nữa không thể hoặc không muốn giữ lời hứa.
Chỉ trong hai tuần từ ngày 18/4 tới ngày 1/5, chín vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại Afghanistan, chủ yếu nhắm vào các nhóm sắc dân thiểu số, làm chết ít nhất 100 người, theo dữ liệu từ bệnh viện.
Các cuộc tấn công làm dấy lên lo ngại Afghanistan đang chìm vào một mùa xuân bạo lực, khi chi nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở nước này tìm cách gây suy yếu chính quyền Taliban, đồng thời thể hiện phạm vi tấn công mới của mình.
Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Afghanistan – được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan, hay ISIS-K, chỉ nhận trách nhiệm đối với 4 trong 7 vụ nổ lớn, theo SITE Intelligence Group, nhóm chuyên theo dõi các tổ chức cực đoan. Nhưng các vụ tấn công khác cũng có đặc điểm tương tự những vụ tấn công trước đây của ISIS-K.
“Thủ phạm tấn công đang cố gắng tạo đà cho tâm lý bất an để thể hiện rằng chúng không thể bị ngăn cản ngay cả khi Taliban nắm quyền”, Faiz Zaland, nhà phân tích chính trị tại Kabul, thủ đô Afghanistan, nói với New York Times.
Từ xưa đến nay, Taliban hay ISIS-K được xem là 2 nhóm cực đoan hồi giáo thù địch. Tuy nhiên, cả hai đều có cách diễn giải nghiêm ngặt đối với luật Sharia và coi những người Hồi giáo dòng Shia là phần tử bội giáo. Trong đó, ISIS-K được xem là có tư tưởng cực đoan hơn và có biện pháp tàn bạo hơn.
Trong nhiều tháng mùa đông, số lượng cuộc tấn công của ISIS-K giảm rõ rệt, từ đó làm dấy lên hy vọng chiến dịch trấn áp của Taliban đã phát huy hiệu quả.
Thế nhưng, các cuộc tấn công lớn gần đây cướp đi mạng sống của nhiều dân thường cho thấy ISIS-K đã tận dụng mùa đông để chấn chỉnh đội ngũ cho đợt tấn công vào mùa xuân, theo New York Times.
Trả lời New York Times, ông Asfandyar Mir, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Hòa bình Mỹ nhận định đây là “quyết định có tính toán” của thủ lĩnh ISIS-K trong lúc nhóm này dò xét điểm yếu an ninh của chính phủ mới.
Ông Mir cho rằng mùa chiến đấu thông thường ở Afghanistan là mùa xuân nên những đòn tấn công trong hai tuần qua có thể được hiểu như lời thông báo. Đó còn là dấu hiệu cho thấy tình trạng bạo lực sẽ còn tiếp diễn.
“Những cuộc tấn công này không phải mới. Việc giết hại người Hazara đã diễn ra trong nhiều năm”, Shamayela Tawana – một trong số hàng trăm người biểu tình hôm 22/4 tại khu Dasht-i-Barchi, nơi có đông người Shia sinh sống – nói. Ba ngày trước, nơi đây liên tiếp có 2 vụ đánh bom, khiến 9 người chết, chủ yếu là trẻ em.
“Chúng tôi có lỗi lầm gì? Có tội tình gì? Tại sao chính quyền mới không thể bảo vệ chúng tôi?”, chị Tawana hỏi.
Trong một bài đăng Twitter hôm 22/4, Zabihullah Mujahid, người phát ngôn chính quyền Taliban, lên án đợt đánh bom vừa xảy ra. “Thủ phạm sẽ sớm bị bắt và trừng phạt vì hành động độc ác của mình”, ông Mujahid hứa.
Nhưng theo New York Times, một số người Afghanistan và các nhà quan sát nghi ngờ sự chân thành cũng như khả năng bảo vệ người dân của Taliban. Chưa đầy một tháng trước đó, quan chức quân sự Taliban còn tổ chức buổi lễ tôn vinh những phần tử đánh bom liều chết.
Những người này còn cho rằng để có được hỗ trợ quốc tế, chính quyền Taliban có thể sẽ chậm ra tay để kiểm soát đối thủ.
“Ở một phương diện nào đó, những vụ tấn công này sẽ giúp cho Taliban. Taliban không mạnh trong việc quản trị tốt đất nước và họ không thể thực hiện điều ấy”, Davood Moradian, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Afghanistan có trụ sở tại London, nhận định.
“Taliban đang nói với thế giới rằng ‘chúng tôi là khủng bố tốt và các bạn cần công nhận, ủng hộ chúng tôi nếu muốn chống lại khủng bố xấu’”, ông Moradian nói.
Những vụ án mạng tại Afghanistan khiến giới chuyên gia lo ngại rằng, khi nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong chính quyền Taliban, các nhóm cực đoan khác trong khu vực vốn đã không ưa Taliban có thể chuyển sang liên minh với IS.
“ISIS-K muốn thể hiện quy mô của mình và vươn ra ngoài lãnh thổ Afghanistan. Nhóm này muốn chứng tỏ rằng cuộc thánh chiến của họ bạo lực hơn Taliban và tổ chức của họ thuần khiết hơn”, Asfandyar Mir, chuyên gia cao cấp tại Viện Hòa bình Mỹ, nói với New York Times.
Các vụ nổ gần đây đặc biệt gây chấn động đối với người Shiite Hazara của Afghanistan, những người từ lâu đã lo sợ rằng Taliban – vốn đối đầu với người Shiite Afghanistan trong nhiều thập kỷ – sẽ không ngăn cản các các hành động bạo lực chống lại họ. Xung đột cũng đã gây ra lo ngại ở nước láng giềng Iran, một chế độ thần quyền của người Shiite.
Nhiều người Shiite ở Afghanistan đã bị bỏ rơi khi IS thực hiện các vụ đánh bom liều chết tại nhà thờ Hồi giáo của người Shiite ở một thành phố phía bắc và một thành phố phía nam, cướp đi sinh mạng hơn 90 người vào tháng 10/2021. Các vụ nổ gần đây, chủ yếu nhắm vào các khu vực của cộng đồng Hazara, đang khoét sâu thêm những nỗi sợ hãi đó.
Cuối tháng trước, Saeed Mohammad Agha Husseini, 21 tuổi, nghe thấy tiếng nổ khi đang đứng bên ngoài nhà anh ở khu vực Dasht-e-Barchi của Kabul, do cộng đồng Hazara kiểm soát. Saeed và cha chạy tới ngôi trường trên phố và chứng kiến nhiều học sinh kinh hãi đổ ra cổng, thi thể rướm máu của một số học sinh nằm ngổn ngang trên lề đường.
Cha của Saeed chạy đến giúp đỡ các nạn nhân, nhưng vài phút sau ông nghe thấy tiếng nổ chói tai khác. Một vụ nổ thứ hai xảy ra ở cổng trường, khiến người cha bị thương nặng và tử nạn.
Một tuần sau, Saeed ngồi dưới mái hiên nhỏ cùng họ hàng tiễn đưa người cha xấu số. Bên ngoài, đường phố nhộn nhịp một thời nay vắng lặng, nỗi sợ dâng cao về một vụ tấn công khác. Tại ngôi trường xảy ra vụ tấn công, các nhà lãnh đạo cộng đồng đang thảo luận về việc thuê vệ sĩ.
“Chính phủ không thể bảo vệ chúng tôi, chúng tôi không an toàn”, Saeed nói. “Chúng tôi phải nghĩ về bản thân và tự bảo vệ sự an toàn cho chính mình”.
Bảo Trâm (Theo New York Times, Washington Post)
Theo: Cánh cò