Ngày 17/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm đình chỉ Qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Nga và Belarus, qua đó tăng cường các biện pháp nhằm trừng phạt Moskva liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tờ New York Times và báo The Hill đưa tin dự luật đình chỉ Qui chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Nga và Belarus đã được Hạ viện thông qua với số phiếu áp đảo 424 phiếu ủng hộ và 8 phiếu chống. Tất cả 8 phiếu phản đối dự luật đều là các hạ nghị sĩ Cộng hòa.
Bước tiếp theo, dự luật cần phải được trình lên Thượng viện Mỹ xem xét, phê chuẩn. Tuần trước, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, đã tuyên bố ủng hộ và sẽ nỗ lực để dự luật được thông qua nhanh chóng.
Dự luật trên, một khi được Thượng viện phê chuẩn và Tổng thống Joe Biden ký ban hành, sẽ chấm dứt qui chế thương mại công bằng đối với Moskva, mở đường cho việc tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các mặt hàng của Nga.
Đây là động thái mới nhất của giới nghị sĩ Mỹ để thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine và trừng phạt Nga liên quan tới Chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn một gói viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 13,6 tỷ USD, cũng như phê chuẩn lệnh cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên 1 tuần sau khi Tổng thống Biden trình đề xuất xóa bỏ qui chế PNTR đối với Nga, hành động mang tính biểu tượng nhằm gia tăng đòn trừng phạt kinh tế chống Moskva.
Qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) của Mỹ, hay qui chế “Tối huệ quốc” theo cách gọi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là qui định đặc biệt điều tiết các mối quan hệ với các đối tác thương mại nước ngoài của Mỹ, theo đó các đối tác được đối xử bình đẳng về thương mại trên lãnh thổ một nước thứ ba. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.
Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế NTR. Việc các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy này.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/3 cũng thông báo sẽ tước bỏ quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Nga theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EU đã đồng ý về biện pháp này với 13 thành viên WTO khác là Albania, Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Iceland, Nhật Bản, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro, New Zealand, Na Uy và Anh.
Các quốc gia này đã lưu hành một bản ghi nhớ giữa các thành viên WTO chỉ ra rằng họ sẽ “thực hiện bất kỳ hành động nào được cho là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình”. Các quy định của WTO quy định rằng quy chế MFN có thể được rút lại nếu các lợi ích thiết yếu về an ninh quốc gia bị đe dọa.
Biện pháp này không yêu cầu bất kỳ thủ tục nào trong WTO bởi đây là quyết định đơn phương. Sau cùng, Nga có quyền quyết định có khởi kiện các thành viên được đề cập hay không, nếu nước này cho rằng các quy tắc của WTO bị vi phạm.
Việc rút bỏ quy chế này cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế quan hoặc các loại hạn chế thương mại khác. Mỗi thành viên WTO đã chọn rút quy chế MFN đối với Nga được tự do áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại nào mà họ muốn.
Về phần mình, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/3 khẳng định Moskva đã lường trước và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.
Hãng tin TASS dẫn tuyên bố của ông Peskov nêu rõ: “Các biện pháp trừng phạt (của phương Tây) có thể lường trước được. Nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau đã được phân tích và xem xét kỹ lưỡng”. Moskva cũng đã triển khai các biện pháp ứng phó để giảm thiểu tác động của các gói trừng phạt khác nhau. Nga đã triển khai một số quyết định, bao gồm các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực kinh tế cũng như các biện pháp tạm thời để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
Chính phủ Nga cũng cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ các công ty đang bị trừng phạt để giúp họ duy trì việc làm và tiền lương. Chính phủ Nga khẳng định có đủ nguồn lực để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong bối cảnh hứng chịu các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.
Thanh Tuấn
Theo: Cánh cò