Hải quân Nga đang uy hiếp mạnh mẽ bờ biển Odessa (Ukraine). Điện Kremlin ban bố lệnh “trừng phạt ngược” nhắm vào 13 quan chức cấp cao của phương Tây.
Hải quân Nga bắn phá bờ biển Odessa: Dấu hiệu đổ bộ?
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 21 (16/03/2022), với những diễn biến mới rất phức tạp.
Vào lúc 11h30 trưa ngày 15/03/2022, thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố những thông tin mới nhất về tình hình chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tổng cộng từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Nga đã phá hủy của đối phương 156 máy bay không người lái, 1.306 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 127 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), 471 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.054 đơn vị xe quân sự đặc chủng của lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong khi đó, bên phía Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine lại đưa ra thông tin về thiệt hại của quân đội Nga: Tính từ ngày 24/02/2022 đến ngày 15/03/2022, đã có hơn 13.500 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến.
Phía Ukraine cũng tuyên bố đã phá hủy 404 xe tăng, 1.279 phương tiện chiến đấu bọc thép, 150 khẩu pháo và súng cối, 64 xe pháo phản lực phóng loạt (MLRS), 36 hệ thống phòng không, 81 máy bay phản lực, 95 trực thăng, 640 xe cộ khác, 3 tàu nhỏ, 60 téc nhiên liệu, và 9 UAV chiến thuật của Nga.
Về tình hình chiến sự, chính quyền Kiev cho biết mặt trận vẫn không có biến động lớn. Phòng không và không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 3 máy bay của Nga (trong đó có 3 chiếc “thú mỏ vịt” Su-34), 1 trực thăng, và 3 UAV chiến thuật.
Trong khi đó, Không quân Ukraine đã thực hiện 9 cuộc không kích vào các đơn vị quân Nga.
Về tình hình trên hướng bắc: Tình hình chiến sự vẫn căng thẳng ở Kiev.
Quân đội hai bên đã giao chiến quyết liệt trên phòng tuyến Gostomel-Vyshgorod và khu vực Bucha-Irpin. Ở phía đông của thành phố Kiev, cuộc giao tranh diễn ra ở phía đông bắc và phía đông của Brovary.
Trên hướng bắc, Chernihiv và Sumy vẫn bị phong tỏa.
Về tình hình chiến sự trên hướng đông: Trên hướng Donetsk, giao tranh vẫn tiếp tục ở khu vực Avdiivka và Marinka, nhưng vẫn chưa có tiến triển đột phá.
Trên hướng Gorlovka, dân quân Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DNR) đã tiến công về hướng Verkhnetoretsky, với sự yểm trợ của pháo binh và không quân.
Đòn tấn công này đã uy hiếp trực tiếp đối với con đường dẫn đến Avdeevka, cũng như các điều kiện tiên quyết nhất định để tiến tới Dzerzhinsk. Tuy nhiên, mặt trận vẫn chưa có sự đột phá lớn.
Phía DPR cũng tuyên bố đã đánh tiêu diệt, xóa phiên hiệu Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 53, thuộc Bộ Chỉ huy tác chiến phía Đông của quân đội Ukraine.
Dân quân Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LNR) tiếp tục chiến đấu ở phía tây của Popasnaya, và cũng đã chiếm được ít nhất một nửa Rubizhne. Giao tranh vẫn tiếp tục ở vùng ngoại ô Severodonetsk.
Giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt ở Kharkov.
Về tình hình chiến sự trên hướng nam: Chiến sự diễn ra đặc biệt căng thẳng trong nội thành Mariupol, quân đội Nga và DPR vẫn tiến rất chậm do đối phương đánh trả quyết liệt.
Mikolaiv vẫn bị phong tỏa. Quân đội Nga đang kiểm soát các khu vực còn lại của vùng Kherson. Tuy nhiên, sân bay quốc tế Kherson (do Nga chiếm giữ) đã bị tên lửa Ukraine tập kích, 3 máy bay trực thăng bị phá hủy.
Odessa đang bị hải quân Nga uy hiếp mạnh. Ngày 16/03, hãng tin UNIAN (Ukraine) dẫn lời Cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko thông báo: Từ khoảng nửa đêm, các tàu chiến Nga đã khai hỏa bắn vào khu vực làng Tuzla, vùng Odessa.
Hải quân Nga đã bắn rất nhiều tên lửa và đạn pháo về phía bờ biển Ukraine. Theo ông Gerashchenko, dường như mục đích của Nga là thăm dò các hệ thống phòng thủ ven biển của Ukraine.
Theo trang tin Naval News, ít nhất 14 tàu chiến Nga đã di chuyển về Odessa, trong số đó dường như có các tàu đổ bộ. Đây có thể là dấu hiệu của chiến dịch đổ bộ đường biển lên vùng Odessa.
Nga “trừng phạt ngược” lại phương Tây
Về tình hình đàm phán giữa hai bên: Theo hãng tin Sputnik, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết vòng đàm phán thứ tư giữa Ukraine và Nga sẽ tiếp tục ngày 16/3 (giờ địa phương).
Có thể thấy thời gian đàm phán (bao gồm cả thời gian tạm dừng kĩ thuật) đã kéo dài đến ngày thứ ba.
Vòng đàm phán thứ tư giữa Nga và Ukraine đã được tiến hành ngày 14/3, song đã tạm dừng để “các tiểu nhóm công tác làm việc thêm và để làm rõ các định nghĩa nhất định.” Hai bên đã quyết định tiếp tục đàm phán ngày 15/3.
Về phản ứng quốc tế: Đáp trả lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, ngày 15/3, Nga thông báo loạt lệnh trừng phạt nhằm vào lãnh đạo cũng như các quan chức và nghị sĩ hàng đầu của Mỹ cùng Canada.
Cụ thể, Nga đưa 13 cá nhân vào danh sách trừng phạt, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, v.v… cùng nhiều quan chức cao cấp khác của Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này vẫn duy trì quan hệ chính thức với Mỹ và vẫn đảm bảo tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao với các quan chức có tên trong danh sách nếu cần thiết.
Đối với Canada, Bộ Ngoại giao Nga thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng hơn 300 nghị sĩ quốc gia Bắc Mỹ này.
Trong danh sách trừng phạt còn có Ngoại trưởng Melanie Joly và Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand.
Về phía Mỹ, ngày 15/3, Nhà Trắng xác nhận, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công du châu Âu để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tháng 3.
Theo Nhà Trắng, chuyến thăm nhằm “tái khẳng định cam kết sắt đá” của Washington với các đồng minh giữa lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết, “nhiều khả năng” ông Biden sẽ tới Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU với 27 nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 24/3 tới.
Vấn đề phối hợp hành động của phương Tây đối với Nga liên quan Ukraine nhiều khả năng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò