RFA đang rêu rao về cuộc gặp gỡ của Tổng Lãnh sự Đức tại TP.HCM là Bà Josefine Wallat với thân nhân một số đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có kẻ xúc phạm quốc kỳ Huỳnh Thục Vy. Đây điều khó hiểu vì bản thân nước Đức cũng rất nghiêm khắc với tội xúc phạm quốc kỳ.
Chi tiết được nhấn mạnh đầu tiên và nhiều nhất trong bài báo của RFA là cuộc gặp gỡ của bà Josefine Wallat với Huỳnh Ngọc Tuấn – cha của Huỳnh Thục Vy, đối tượng có hành vi xúc phạm quốc kỳ gây xôn xao dư luận vào năm 2017. Khi đó, nhờ chính sách khoan hồng của pháp luật, Vy được tạm hoãn thi hành án 36 tháng trong lúc nuôi con nhỏ. Và mặc dù đã được tạm hoãn thi hành án chính vì có con nhỏ, nhưng khi gặp Lãnh sự Đức, cha của đối tượng lại mang chính hai đứa cháu nhỏ ra để than thở với bà này.
Cần biết là tại thời điểm bị buộc phải thi hành án, đối tượng Vy cũng trơ tráo thừa nhận việc không tuân thủ quy định pháp luật, cho rằng không làm gì sai “chiếu theo công ước quốc tế” và ngoài ra Vy tỏ rõ thái độ chống đối chính quyền. Vì việc này mà nhiều đối tượng chống phá cũng như các tổ chức cơ hội ở hải ngoại luôn tìm cách bao biện, chối tội cho Vy, thậm chí cho rằng xúc phạm quốc kỳ chẳng qua chỉ là thể hiện quyền tự do ngôn luận. Thực tế trên thế giới có một số quốc gia không cấm hành vi xúc phạm quốc kỳ này, nhưng đó chắc chắn không phải là nước Đức.
Theo bộ luật hình sự của Đức (§90a Strafgesetzbuch (StGB)), việc xúc phạm hoặc làm hỏng lá cờ liên bang Đức cũng như bất kỳ lá cờ nào của các bang nơi công cộng là bất hợp pháp. Người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc kết án tối đa ba năm tù, hoặc phạt tiền hoặc kết án tối đa năm năm tù nếu hành vi cố ý được sử dụng để hỗ trợ việc xóa sổ Cộng hòa Liên bang Đức hoặc vi phạm các quyền hiến pháp. Điều này khá tương đồng với án phạt 2 năm 9 tháng tù của Huỳnh Thục Vy, chứng tỏ quan điểm tương đương giữa 2 quốc gia đối với cùng hành vi này. Thế nên việc bà Lãnh sự thăm hỏi cha của Huỳnh Thúc Vy cứ như thể thân nhân của một người bị hại thật là khó hiểu. Hành động này của bà Lãnh sự thể hiện một tư duy “tiêu chuẩn kép” về tội phạm.
Bà còn gặp gỡ mục sư Phạm Ngọc Thạch và “tâm sự” về những đối tượng bị xử phạt vì hành vi lợi dụng tôn giáo như sau: “khi bà gặp chính quyền thì (nhờ bà) nói một tiếng để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giúp cho những tù nhân tôn giáo sớm được trả tự do. Tôi thấy mọi chuyện cũng dễ, quan trọng là chính quyền có thương người dân Việt không thôi? Chứ tôi thấy họ không làm gì sai, họ rất tốt”. Phải chăng bà Lãnh sự muốn đóng vai hòa giải, gỡ tội cho các đối tượng phạm tội này? Vì sao bà không tìm hiểu thông qua chính quyền mà lại đến gặp gỡ trực tiếp để “lắng nghe” các luận điệu của họ. Đây có thể nói là những hành động đáng tiếc và không hề đúng mực về mặt ngoại giao giữa hai nước.
Việc gặp gỡ này rõ ràng đã ngầm thể hiện sự ủng hộ nào đó của nước Đức với những đối tượng phạm tội này vì hành vi của họ, bất chấp việc hành vi đó đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam với mục tiêu bạo loạn lật đổ. Nó tạo ra một “phần thưởng” giả tạo nào đó để gửi những tín hiệu sai trái nhằm khuyến khích các đối tượng này vi phạm thêm nữa, và ngoài ra cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Bình luận về các cuộc gặp gỡ này, thông tin của RFA ghi rõ: “Tổng Lãnh sự Josefine Wallat tìm hiểu thông tin về một số tù nhân lương tâm đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ”. Vì vậy, dưới bài đăng của RFA, nhiều người đọc đã vào bình luận thể hiện sự bức xúc. Họ nói rõ rằng Việt Nam không hề có tù nhân lương tâm, chỉ có đúng và sai chiếu theo các quy định của pháp luật. Việt Nam cũng không có tù chính trị, mà chỉ có các đối tượng lấy “mác” chính trị, lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống phá đất nước. Đây là một sự thật rành rành mà không hiểu sao bà Lãnh sự Đức lại phát ngôn trái khoáy như vậy, cũng như việc đối tượng Huỳnh Thục Vy nếu ở nước Đức thì chắc chắn cũng phải đi tù vì xúc phạm quốc kỳ, và lúc đó không rõ liệu bà có muốn đi thăm nữa không?
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ