Những ngày này, cả nước tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biển đảo tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988.
Suốt 34 năm trôi qua, sóng biển vẫn ầm ào xô bờ nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng, về hình ảnh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.
Năm nào cũng vậy, vào trung tuần tháng Ba, cụ Hoàng Nhỏ (94 tuổi) ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đều làm mâm cơm cúng người con trai cùng 63 đồng đội của con đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Trên mâm cúng đặt 64 chiếc bát, 64 đôi đũa lên 1 chiếc bàn vuông, vái vọng về hướng Trường Sa, nơi liệt sỹ Hoàng Văn Túy – con trai cụ Nhỏ ngã xuống cùng đồng đội trong trận hải chiến năm ấy.
Năm nay, cụ Nhỏ không được khỏe để tự tay làm mâm cơm cúng. Tâm nguyện của cụ vẫn được các con, các cháu trong nhà thực hiện đầy đủ. Cụ Hoàng Nhỏ rưng rưng kể, mâm cơm giỗ 64 liệt sĩ hàng năm là nhắc nhở con cháu khắc ghi cuộc chiến đấu, hy sinh anh dũng của chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam: “Có 1 ngày giỗ là 14/3 tức 27-28 tháng Giêng âm lịch, gia đình cũng làm lễ cúng, làm chiếc bàn cúng giữa trời đất hướng ra biển. Lễ cúng, giỗ chung như vậy, tâm niệm con mình và đồng đội của con cùng về…”
Trường Sa năm 1988, tin tức chiến sự bay về dồn dập. Những ngày cuối tháng 3 năm đó, bà Hoàng Thị Loàn, con gái cụ Hoàng Nhỏ, nhận được thông báo em trai mình là Hoàng Văn Túy hy sinh khi cùng đồng đội bảo vệ từng tấc đất, giữ đảo. Khi nghe hung tin, cụ Nhỏ ngã quỵ. Bà Loàn dìu cụ đi dọc bãi biển ngóng về phía khơi xa cầu mong một điều kỳ diệu.
Bà Hoàng Thị Loàn chia sẻ, em trai nằm lại nơi sóng biển Trường Sa: “Gia đình cứ truyền lại, nối tiếp cho các thế hệ sau về câu chuyện Gạc Ma, về người bác đi bộ đội ra đảo Trường Sa, ra Gạc Ma rồi bị chiếm đảo và hy sinh ngoài đảo. Rồi sau này hết thế hệ mình thì có con, cháu theo ngày tháng này để tổ chức ngày giỗ, tưởng niệm ngày hải chiến Gạc Ma.”
Trận hải chiến năm ấy, 14 người con của Quảng Bình vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. Có những người lính năm ấy trở về với cuộc sống đời thường. Có người lấy vợ, sinh con, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, có người về quê làm anh nông dân cần mẫn, cuộc sống vất vả, nghèo khó.
Trở về quê nhà, cựu chiến binh Gạc Ma Hồ Văn Ba, ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch bám biển mưu sinh. Hằng ngày, ông cùng chiếc thuyền câu mực lênh đênh trên biển. Cuộc sống của vợ chồng ông còn nhiều khó khăn trong căn nhà nhỏ nơi xóm biển. Hiểu hoàn cảnh của đồng đội, Ban liên lạc Cựu binh Gạc Ma đã kêu gọi các nhà hảo tâm, hỗ trợ xây tặng ông Hồ Văn Ba một ngôi nhà khang trang.
Ông Hồ Văn Ba cho biết, sau 34 năm rời Gạc Ma, đồng đội của ông người còn người mất, mỗi người một nơi nhưng anh em luôn nhớ về nhau: “Trở về quê thì tôi chọn nghề đi biển, trước chưa đi tàu xa bờ thì đi làm lộng, thuyền nan gần bờ. Cựu binh Gạc Ma trở về cuộc sống hàng ngày cũng vất vả, nhà cửa rách nát. Người ta thấy cực khổ nên cũng hỗ trợ, lúc đó người ta hỗ trợ cho ngôi nhà mà tôi cũng bất ngờ.”
Là một trong 9 người lính Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giữ, cựu binh Nguyễn Văn Thống, trở về quê nhà sau 1.000 ngày chịu tù đày ở bán đảo Lôi Châu, trên mình mang đầy thương tích. Năm 1988, ông Nguyễn Văn Thống, ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lúc đó là chàng trai tuổi đôi mươi cùng bao đồng đội ra đảo Gạc Ma. Ký ức về trận chiến đấu ngoan cường trên đảo luôn hiện hữu trong ông, đó là một phần lịch sử không thể nào quên và không được quên.
Suốt nhiều năm qua, cứ đến dịp 14/3, ông Thống và những người đồng đội ở Gạc Ma ngày ấy lại tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau và tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ông Nguyễn Văn Thống cho biết, 34 năm trôi qua, đã có biết bao thế hệ con em liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.
Con gái của liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương là chị Trần Thị Thủy hiện đang công tác ở đơn vị cũ của bố là Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân. Còn con trai cựu binh Gạc Ma Mai Xuân Hải là Mai Tiến Duẫn cũng làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 83 Hải quân, đóng quân ở bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, tất cả đều chung một trách nhiệm là gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Thống trầm giọng, không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng, đó chính là lời mà những người cựu binh Gạc Ma luôn tự nhắc nhở mình và đồng đội.
“Anh em Gạc Ma thường gặp nhau để ôn lại kỷ niệm, rồi giúp đỡ nhau, có điều kiện thì kêu gọi hỗ trợ cuộc sống cho nhau. Mong muốn làm sao lớp trẻ sau này biết đến sự kiện Gạc Ma 14/3/1988, lúc Trung Quốc đánh chiếm đảo, giáo dục con em biết quý trọng, bảo vệ biển đảo quê hương như bao lớp cha ông mình đi trước đã hi sinh” – cựu binh Nguyễn Văn Thống bày tỏ
Sự hy sinh của 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam tại Gạc Ma năm 1988 để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mãi mãi là tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Thanh Hiếu
Theo: Cánh cò