“Báo chí Việt Nam là cái loa của Putin? Báo chí Việt Nam bắt đầu ‘quay xe’ khi đưa tin chiến sự Nga – Ukraine, Báo chí Việt Nam nói Nga ngừng bắn. Có thật vậy không?” là những luận điệu dồn dập mà trang mạng Việt Nam Thời báo đăng tải những ngày gần đây. Chúng ta nên nhìn nhận ra sao về những luận điệu này?
Quan hệ Việt – Nga ngày nay đã kế thừa từ mối quan hệ Việt – Xô với tài sản quý báu là những thành quả to lớn của tình hữu nghị và hợp tác truyền thống khởi nguồn từ những năm trước. Sau những nỗ lực khôi phục và phát triển quan hệ song phương trong những năm 90 của thế kỷ 20, năm 2001, Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đến năm 2012 nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu hợp tác song phương trong thời kỳ mới.
Lại nói đến Việt Nam và Ukraine thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Tiếp tục phát triển từ mối quan hệ tốt đẹp từ thời Liên Xô trước đây, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Ukraine thời hậu Xô Viết vẫn được duy trì và phát triển tốt đẹp bất chấp những biến động của lịch sử.
Trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, từng bước phát triển mạnh mẽ, mở rộng trên nhiều lĩnh vực: chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, giáo dục, hợp tác địa phương… Đặc biệt, năm 2011, hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đưa quan hệ Việt Nam-Ukraine lên tầm cao mới. Theo đó, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, làm cơ sở tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo…Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine hiện có khoảng 10.000 người, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của nước sở tại và với quê hương.
Như vậy, Việt Nam luôn đánh giá cao mối quan hệ với Nga và Ukraine, không “yêu” hơn, “ghét” hơn, bởi bất cứ quốc gia nào Việt Nam cũng có một mối quan hệ ngoại giao hảo hữu lâu dài, đem lại nhiều lợi ích cả đôi bên.
Việc đưa tin về Nga – Ukraine cần đảm bảo khách quan, không ảnh hưởng đến ngoại giao song phương, đa phương.
Trong thời kỳ đổi mới, đối ngoại luôn thực hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói, “Ngoại giao phải chân thành. Chúng ta cần chân thành, thẳng thắn nêu ý kiến với tất cả bạn bè, đối tác để đóng góp cho hòa bình”.
Mọi phát ngôn, mọi hành động của Việt Nam về Nga hay Ukraine trong thời kỳ hiện nay trước hết đều phải đảm bảo lợi ích quốc gia- dân tộc. Chúng ta gọi câu chuyện Nga- Ukraine là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” không phải vì thân Nga, không phải vì chúng ta là “cái loa của Putin” hay Việt Nam đang “gió chiều nào xoay chiều ấy” khi ban đầu thì nghiêng về Nga, sau đó thì ngầm ủng hộ Ukraine như Việt Nam Thời Báo công kích.
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu rằng, trong chiến lược ngoại giao cần có sự thông minh và khéo léo. Việc lên tiếng ra sao, bằng cách nào đều phải nhắm đến mục đích cuối cùng là hòa bình – ổn định. Một mặt chúng ta không đồng tình với việc thêm dầu vào lửa của phương Tây, mặt khác tới một thời điểm hợp lý, chúng ta lên tiếng không đồng tình với việc Nga lún sâu vào cuộc chiến.
Liên hệ một cách hài hước: Khi hai người bạn của mình đang xích mích đánh nhau, anh sẽ làm như thế nào? Anh xông lên chửi mắng một trong hai? Anh nhét cho người bạn này cái gậy, anh dúi cho người bạn kia hòn gạch rồi nhìn họ đánh nhau chăng? Không! Trước hết phải để những người đang nóng nảy này bình tĩnh trở lại, tìm cách làm cho họ bình tĩnh trở lại bằng cách nói rằng tôi chẳng thích đánh nhau đâu. Hãy nhìn xem vũ lực nào có đem lại lợi ích gì đâu, chỉ có máu chảy, chỉ có đau thương và mất mát. Cho dù anh có đánh thắng thì đó cũng là bạn anh, anh mất đi một người bạn tốt. Vậy thì đánh nhau để làm gì? Đó là cả một nghệ thuật ngoại giao của Việt Nam đấy chứ không phải là những phát ngôn thiếu suy nghĩ, bồng bột. Việc đưa tin của báo chí không chỉ đơn thuần là thông tin mà còn là đường hướng đối ngoại của Việt Nam.
Ấy vậy nhưng đối với Việt Nam Thời Báo cũng như mọi đối tượng chống đối khác thì chỉ có đẩy xung đột vũ trang leo thang mới là chân lý, là đích đến. Tóm lại, mục đích cuối cùng của hàng loạt bài viết mà Việt Nam Thời Báo đưa ra chẳng qua cũng chỉ là muốn “thò chân” vào nền báo chí Việt Nam để dễ bề chống phá với lời lu loa cuối cùng “Hãy cởi trói cho nền báo chí Việt Nam”.
Phù Vân
Theo: Hội Cờ đỏ