Từ lâu, Tổng thống Vladimir Putin đã nổi tiếng là bậc thầy về chiến tranh thông tin. Sự thành công càng được khẳng định thông qua trong 1 thập kỷ qua, chủ trương vũ khí hóa mạng xã hội và tích cực tuyên truyền cho những câu chuyện thêu dệt giả dối của Tổng thống Putin đã chứng minh vai trò trụ cột của mình trong việc đạt được những thành tựu như chiếm đoạt Crimea và chiến thắng trong tranh cử của Donald Trump cách đây gần 1 thập kỷ.
Vì những thành công trong quá khứ đã khiến thế giới khá ngạc nhiên trước việc Nga thất thế trước tin giả trong chiến dịch quân sự của Nga với Ukraine..
Sau nhiều năm thành công, vì sao bây giờ Tổng thống Putin lại thất thế trong cuộc chiến thông tin một cách toàn diện?
Ngay từ những ngày đầu tiên khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của mình tại Ukraine vào ngày 24/2, thế giới đã tập hợp mạnh mẽ để ủng hộ Ukraine. Điều này cũng đúng thôi, bởi từ xưa đến nay, chiến tranh đang được nhiều người coi là vấn đề trắng đen nhất về thiện và ác trong lịch sử hiện đại.
Hơn nữa, chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin rõ ràng đã khiến nước Nga trở nên độc hại trong mắt thế giới theo những cách mà ngay cả “những cỗ máy xử lý thông tin” đáng gờm của ông cũng không thể chống chế bằng bất cứ luận điệu nào.
Cũng chính bước đi này đã dẫn đến các lệnh trừng phạt quốc tế chưa từng có và thuyết phục nhiều công ty lớn nhất thế giới cắt đứt mọi quan hệ với Nga. Ngay cả những đối tác đáng tin cậy trước đây như Trung Quốc cũng ngày càng tỏ ra không muốn công khai bênh vực Nga.
Về mặt truyền thông, những tin giả nhắm vào Nga đang ngày càng xuất hiện với cường độ dày đặc, bất chấp những lời biện minh đến từ Nga hay Tổng thống Putin. Bao nhiều bài viết giải thích, phân tích, biện minh cho chiến dịch khi nói về “những người theo chủ nghĩa phát xít tại Ukraine” dường như chẳng được mấy ai quan tâm. Thay vào đó, những lời chê bai nặng nề nhắm vào chính nước Nga và Ukraine lại được tìm kiếm với tốc độ chóng mặt.
Đối mặt với thực tế thất bại thảm hại trên mặt trận thông tin, ông Putin đã phải rút lui và hiện đang lao vào một cuộc chiến tuyệt vọng mới nhằm bảo vệ sự danh tiếng của mình đối với khán giả Nga.
Đầu tiên, trong mười ngày đầu của cuộc chiến, Nga đã ra lệnh cấm Facebook và Twitter, đóng cửa hầu hết các phương tiện truyền thông độc lập còn lại của đất nước, đồng thời đưa ra các luật mới hà khắc hứa hẹn các án tù dài cho bất kỳ ai dám đặt câu hỏi về đường lối của đảng Orwellian của Điện Kremlin liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Một trong những điểm khác biệt chính giữa cuộc chiến hiện tại và cuộc chiến năm 2014 là sự hiện diện của số lượng lớn các phóng viên quốc tế ở Ukraine. Phần lớn nhờ vào chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc công bố đều đặn các chi tiết về kế hoạch “tấn công” của Putin, nhờ đó mà giới quan sát đã biết trước rằng rất có thể một cuộc xung đột lớn sắp nổ ra. Cũng từ đây, đại diện của các phương tiện truyền thông quốc tế ngay từ đầu đã bắt đầu tập trung tại Ukraine vào cuối năm 2021 nhằm chớp lấy thời cơ.
Đến giai đoạn đầu tháng 2/2022, nhiều khách sạn hàng đầu của Kyiv đã có đầy đủ các nhà báo và nhóm quay phim từ khắp nơi trên thế giới. Dòng người này cũng đã chứng kiến các phóng viên đến các thủ đô trong khu vực như Kharkiv, Lviv, Mariupol và Odesa với số lượng lớn chưa từng có.
Sự hiện diện của các phương tiện truyền thông quốc tế chưa từng có ở Ukraine đã giúp hàng trăm nhà báo có thể tự mình tìm hiểu thực tế của đất nước chứ không như trước kia, chỉ có nguồn thông tin một chiều do Nga cung cấp.
Hơn nữa, các nhà báo phương Tây đổ xô đến thực địa Ukraine đều có thể đưa ra những tin mang tính xác thực ở cả hai chiều. Trong khi trước kia, phóng viên chỉ có thể nắm tin thông qua tin tức mà điện Kremlin sàng lọc.
Theo đó, các nhà báo quốc tế có trụ sở tại Nga có xu hướng tiếp cận trực tiếp rất hạn chế với các quan chức cấp cao và thường bị buộc phải dựa vào thông tin “đút thìa”. Bất kỳ phóng viên nào nói những sự thật không tốt cho Nga đều có nguy cơ bị trục xuất, đơn cử như vụ việc đã xảy ra với phóng viên Luke Harding của The Guardian và Sarah Rainsford của BBC. Đối mặt với viễn cảnh mất kế sinh nhai rất thực tế, nhiều phóng viên ở Nga đã phải tự kiểm duyệt và nhanh chóng học “giữ miệng” hơn đối với những vấn đề nhạy cảm liên quan đến Nga.
Trong khi đó, môi trường truyền thông ở Ukraine rất khác biệt. Trong khi bối cảnh truyền thông Ukraine vẫn bị chi phối bởi các lợi ích đầu sỏ và có xu hướng đưa tin đảng phái cao, việc này đồng nghĩa với việc phóng viên có thể bỏ qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt đến từ phía Nga. Cũng từ đó giúp nhiều hãng truyền thông khác nhau của Ukraine có thể cạnh tranh với nhau, tạo ra một môi trường truyền thông đa dạng nhưng không bị kìm kẹp thông tin.
Nhờ môi trường thông tin mạnh mẽ và tự do đặc biệt này, các nhà báo quốc tế ở Ukraine đã có thể tương tác với nhiều đồng nghiệp địa phương để tạo nên một bức tranh toàn cảnh về tình hình thực tế trong nước. Sự tương tác này cũng đã giúp nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp chung và các giá trị chung kết nối người Ukraine và các đồng nghiệp phương Tây của họ.
Bảo Trâm (Theo Atlantic Council)
Theo: Cánh cò