Vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có bài trả lời phỏng vấn và phân tích sâu về cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại. Bài phỏng vấn này nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá tích cực nhưng bên cạnh đó có cả những phản biện và “bình loạn” của các chuyên gia, đặc biệt là các đối tượng chống phá.
Từng là người phụ trách cao nhất về ngoại giao, hòa bình của quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhìn cuộc chiến Nga – Ukraine ở góc độ hết sức tổng thể, toàn diện mà ở đó mỗi nhân tố tham gia đều đóng một vai trò nhất định nhưng không thể tách rời khỏi các nhân tố khác. Hiểu đơn giản thì mỗi quốc gia trong thế giới ngày nay giống như một ngôi nhà trong mỗi khu phố. Nếu “nhà” này quá ồn ào, hoặc tàng trữ vũ khí nguy hiểm, thậm chí “bắt tay” với kẻ địch của hàng xóm thì các nhà hàng xóm không thể cảm thấy yên ổn và tất yếu phải phản ứng. Chính vì vậy, mà trong bài bình luận, tướng Vịnh luôn nói về vai trò của “các bên tham dự và các bên liên quan” chứ không chỉ nói về hai nhân tố Nga và Ukraine. Tính chất liên quan này được người Nga nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây và gọi bằng cái tên “an ninh công bằng và không chia tách”.
Hiến chương Paris năm 1990 về Châu Âu Mới đã tuyên bố rằng “an ninh là không thể chia tách và an ninh của mọi quốc gia tham gia liên kết không thể tách rời với an ninh của tất cả các quốc gia khác”. Các hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu tại Istanbul năm 1999 và Astana vào năm 2010 đã lặp lại tầm quan trọng của khái niệm này, với ghi chú thêm rằng điều này không thể đến kèm với “cái giá phải trả” cho an ninh của quốc gia khác. Nước Nga luôn cho rằng “an ninh không thể chia tách” có nghĩa là Nga sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định an ninh của châu Âu, và bất kỳ sự mở rộng nào của NATO ảnh hưởng đến “lợi ích an ninh cốt lõi” của Nga đều phải được thực hiện với sự đồng ý của nước này hoặc họ sẽ có hành động để ngăn chặn các kế hoạch đó thành hiện thực.
Điều này có thể không quá nghiêm trọng nếu phương Tây tôn trọng Đạo luật thành lập NATO – Nga năm 1997, vốn có mục đích nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, đã công nhận khái niệm tương tự và cam kết NATO sẽ không lắp đặt các căn cứ thường trực ở các quốc gia thành viên mới “trong môi trường an ninh hiện tại và có thể thấy trước”. Đáng chú ý, phần mở đầu Đạo luật này cũng cho biết NATO và Nga “không coi nhau là đối thủ của nhau”, và thậm chí Tổng thống Nga Putin từng hỏi phương Tây về việc để Nga gia nhập NATO. Thế nhưng phản ứng của NATO khi đó và các động thái về sau chứng tỏ NATO luôn coi Nga là đối thủ chiến lược và không ngừng mở rộng về phía Đông.
Giữa tháng 2/2022, Nga kêu gọi các nước phương Tây đảm bảo nguyên tắc “an ninh bình đẳng và không chia tách”. Đáp lại, phương Tây thách thức bằng cách coi vấn đề kết nạp Ukraine vào khối là việc riêng và không cần quan tâm đến Nga. Kết quả là chiến tranh đã bùng nổ và các nước phương Tây than thở cứ như thể họ vô can: “Nước Nga xâm lược Ukraine”. Hòa theo “giọng điệu” này, một loạt chuyên gia, trí thức cõi mạng trong đó có ông Trương Nhân Tuấn ra sức phản bác những người mà có biểu hiện “bênh vực” nước Nga trong đó có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Việc tách sự kiện này khỏi bối cảnh địa chính trị xung quanh và quy kết một chiều thành cuộc chiến “xâm lược, bắt nạt” là không hoàn toàn đúng.
Khi nhìn cuộc chiến ở góc độ tổng thể theo quan điểm của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ta cũng thấy rõ là để kết thúc cuộc chiến cần giải quyết vấn đề cốt lõi, đó là những lo ngại của Nga về sự mất an toàn đến từ tương lai NATO kết nạp Ukraine. Thế nhưng phương Tây chỉ “giải quyết vấn đề” bằng cách cấp thêm vũ khí, và điều này chính xác như tướng Vịnh nói là “đổ thêm dầu vào lửa”. Thực tế là “lửa đã cháy” ngay từ thời điểm năm 2008, khi nước Mỹ và NATO công khai muốn kết nạp Ukraine và Gruzia để khiêu khích nước Nga. Vậy mà ông Tuấn lại đưa ra nhận định hết sức ngây ngô “Lửa sẽ tắt khi Putin ra lịnh rút quân. Bên tự vệ có muốn “đổ dầu thêm” thì lửa cũng không cháy nữa.”
Cần nói rõ là Việt Nam hoàn toàn thông cảm với những điều không may mắn của Ukraine, khi đất nước bị chia cắt và rơi vào vòng xoáy của chiến tranh. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói Việt Nam “ủng hộ người bạn (Ukraine) của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách “ngoại giao pháo hạm” của nước lớn. Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân.” Tuy nhiên, Tướng Vịnh cho rằng “cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn.” và Việt Nam có thể chia sẻ về bài học “3 không”: không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba.”
Như vậy, quan điểm của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về cuộc chiến này vừa có lý, vừa có tình, đúng ra đúng, sai ra sai. Thế nhưng, “chuyên gia” Trương Nhân Tuấn tỏ rõ thái độ thù địch: “tôi nhận thấy rằng đảng CSVN và các đảng viên chưa bao giờ có một chủ trương, đường lối, hành vi… bất kỳ nào có mục tiêu “ích quốc lợi dân”. Tiếng Dân News thì chuyển sang công kích cá nhân và xúc phạm nặng nề tướng Vịnh, cho là chỉ biết “nói theo kịch bản, chỉ là cái loa”. Chân Trời Mới Media thì “chửi rủa” ông chỉ là “cái loa tuyên truyền cho Putin, thiếu tâm và tầm”. Đúng sai có lẽ đã không cần tranh cãi ở đây!
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ