Một nghiên cứu cho thấy người đã tiêm vaccine và từng mắc Covid-19 có thể hình thành “siêu miễn dịch” bên trong cơ thể.
Mặc dù các ca nhiễm Omicron trên thế giới vẫn tăng mạnh, các chuyên gia phát hiện một thực tế rằng nhiều người tiêm vaccine và từng khỏi bệnh Covid-19 có thể phát triển cái mà các nhà khoa học gọi là “siêu miễn dịch”.
Theo Đại học Y Khoa Oregon (OHSU), siêu miễn dịch đề cập tới việc một bệnh nhân đã tiêm vaccine và từng mắc Covid-19 sẽ có phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Sự kết hợp giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch từ vaccine sẽ mang lại nhiều khả năng bảo vệ hơn so với người chỉ có một loại miễn dịch.
Dù nghiên cứu của OHSU chỉ với quy mô 104 người đã tiêm vaccine Pfizer, hiện tượng “siêu miễn dịch” từng được quan sát ở Nam Phi, giáo sư y khoa về truyền nhiễm Jessica Justman nói với Fortune.
Theo bà Justman, đây mới chỉ là những phát hiện sơ bộ, và các chuyên gia cần nhiều dữ liệu hơn để có một bức tranh toàn cảnh. Bà cũng khuyên mọi người không nên cố ý mắc Covid-19 để tăng cường miễn dịch.
Tiến sĩ Luis Ostroky của trường Y khoa McGovern cũng đồng tình với nghiên cứu trên, cho biết các kháng thể tạo ra từ việc mắc Covid-19 có thể khác nhau tùy thuộc vào hệ miễn dịch ở mỗi người.
“Miễn dịch tự nhiên có thể mạnh mẽ ở một số thời điểm, nhưng nó không bền vững, chỉ kéo dài khoảng ba tháng”, theo ông Ostrosky. Ông cho biết một số người không thực sự có miễn dịch sau khi mắc Covid-19.
Theo các chuyên gia, điều tích cực của việc các nhiễm tăng cao sẽ giúp đất nước tiến gần hơn tới miễn dịch cộng đồng, ước tính cần khoảng 94% dân số đạt miễn dịch.
Nhóm nghiên cứu của OHSU tin rằng nghiên cứu về siêu miễn dịch sẽ có hiệu quả để chống lại những biến chủng mới của Covid-19 trong tương lai, ngay cả khi virus tiếp tục đột biến.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò