Giới phân tích nhận định việc Nga tập trung vào Ukraine cũng như khu vực châu Âu có thể tạo thêm không gian cho Trung Quốc để củng cố quyền lực ở châu Á, đặc biệt là Trung Á.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời “một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh” cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin không tấn công Ukraine trong khi Thế vận hội Olympic diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 4 – 20/2, để không phá hỏng sự kiện”.
Thông tin trên ngay lập tức vấp phải phản ứng của cả Nga và Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga ngày 22/1 đã lên tiếng bác bỏ và chỉ trích thông tin của Bloomberg.
“Thông báo của Bloomberg về việc Chủ tịch Trung Quốc đề nghị Tổng thống Nga không tấn công Ukraine trong thời gian diễn ra Thế vận hội để không phá hỏng sự kiện là một trò lừa bịp và khiêu khích”, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết.
Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Ukraine là nhất quán và rõ ràng.
“Phía Trung Quốc ủng hộ việc giải quyết các bất đồng bằng đối thoại và tham vấn trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk”, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng chỉ trích thông tin do Bloomberg đăng tải.
“Đó không còn là sự giả mạo nữa, mà là chiến dịch tung tin đặc biệt của các cơ quan ở Mỹ thông qua Bloomberg”, bà Zakharova cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng “nhà ngoại giao Trung Quốc” như Bloomberg đề cập thực chất là người Mỹ.
“Theo cách nói của giới truyền thông Mỹ, Nga lẽ ra đã “tấn công (Ukraine) từ lâu”. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ “tấn công”. Theo logic của họ, đây là thời điểm hoàn hảo – Thế vận hội ở Trung Quốc, khi truyền thông Mỹ bôi nhọ trong nhiều tháng qua theo lệnh của Washington”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho việc đăng cai Thế vận hội, bất chấp làn sóng tẩy chay ngoại giao của các nước phương Tây, trong đó có chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mỹ và các nước đồng minh tẩy chay Olympic Bắc Kinh nhằm phản đối động thái của Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương.
Tình báo NATO gần đây nghi ngờ rằng Nga đã triển khai hơn 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine, thậm chí một số nhà phân tích phương Tây dự đoán một cuộc tấn công sắp xảy ra trong khu vực. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng phương Tây đang lợi dụng Ukraine vì mục đích riêng của khối này. Moscow khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Khi “chảo lửa” Ukraine nóng lên, nhiều nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi về phản ứng và vai trò của Trung Quốc tại khu vực này.
Liệu Trung Quốc có bị vướng vào một cuộc chiến, dù cường độ cao hay thấp, ở Ukraine cùng với Nga hay không? Liệu Nga có ủng hộ Trung Quốc nếu nước này quyết định hành động quân sự với Đài Loan hay không?
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã cảnh giác với các mối đe dọa chiến lược từ phía bắc. Kể từ khi mở rộng về phía tây vào thế kỷ 18, Nga đã lo ngại quyền lực của Bắc Kinh và sau khi Liên Xô sụp đổ, Moscow lo ngại rằng một đất nước Trung Quốc năng động và đông dân từ phía Nam có thể sẽ tiếp quản vùng Siberia.
Tuy nhiên, hai nước vẫn hiểu rõ về nhau, có truyền thống giao dịch lâu đời với nhau và cảm thấy “đồng cảm” với nhau do sức ép riêng từ Mỹ cũng như các đồng minh của Washington trong suốt thập niên qua.
Bất chấp những lo ngại về Nga trước đây, Trung Quốc hiện mua hơn 400 tỷ USD khí đốt từ Nga, được vận chuyển thông qua các đường ống mới. Tuy vậy, thỏa thuận không được tiến hành trong nhiều năm do hai bên vẫn bất đồng về giá cả, nhưng sau đó, thỏa thuận này lại trở thành nước đi chiến lược.
Trung Quốc bắt đầu nhận thấy rằng hải quân Mỹ có thể cắt đứt các tuyến hàng hải của mình, vì vậy các tuyến khí đốt của Nga trở nên rất quan trọng về mặt chiến lược. Tất nhiên, hợp đồng khí đốt này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Điều này cũng rất quan trọng đối với Nga, đặc biệt nếu đường ống dẫn khí đốt Nga – châu Âu Dòng chảy phương Bắc 2 không thực sự hiệu quả.
Trong tháng này, Nga đưa quân vào Kazakhstan để đối phó làn sóng bạo loạn. Động thái này được xem là góp phần củng cố vị thế của Moscow tại Kazakhstan, quốc gia đang cải thiện quan hệ với Mỹ. Động thái này cũng góp phần giải quyết nỗi lo ngại của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho rằng, Kazakhstan có thể trở thành “điểm nóng” gây bất ổn ở Tân Cương.
Theo Asia Times, một mặt Trung Quốc đang theo dõi tình hình Ukraine. Nếu Mỹ thể hiện sự yếu kém tại đây, Bắc Kinh có thể nhận được thông điệp rằng Mỹ không sẵn sàng vạch ra ranh giới với Nga, thậm chí cũng không sẵn sàng với Trung Quốc.
Mặt khác, nếu Mỹ hoặc phương Tây vướng vào cuộc xung đột ở Ukraine, Bắc Kinh có thể cho rằng Washington đang bị phân tâm khỏi “mặt trận” châu Á.
Nếu Nga tập trung vào châu Âu, điều này có thể sẽ để lại nhiều không gian ở châu Á hơn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình nghị sự của Nga ở châu Á vốn rất cụ thể. Sự can dự nhiều hơn của Nga vào Trung Á đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có ít không gian hơn để mở rộng ảnh hưởng.
Nga muốn giữ NATO lùi xa hết mức có thể để khôi phục không gian Xô Viết, trong khi Trung Quốc lại không mấy quan tâm tới điều này. Chính những hành động của Nga đã khiến NATO cảnh giác, sau khoảng thời gian bị chỉ trích là tổ chức hoạt động kém hiệu quả.
Trung Quốc có thể không sẵn sàng đứng về phía Nga để đương đầu với NATO. Nếu thấy Trung Quốc xích lại gần Nga, một số nước châu Âu trước đây từng miễn cưỡng trong việc cùng các đồng minh đối phó Trung Quốc, thì nay họ có thể sẽ kiên quyết hơn. Việc một liên minh quân sự như NATO “hồi sinh” và tạo thành mặt trận đối phó Trung Quốc cũng không phải là tin tốt với Bắc Kinh.
Nếu Bắc Kinh hỗ trợ Moscow trong việc đối phó với NATO, điều đó cũng không đảm bảo rằng Nga sẽ đáp lại tương xứng với Trung Quốc trong tương lai gần. Hai nước vẫn có những nghi ngờ và những lợi ích khác nhau trong vấn đề Ukraine, điều này cho thấy những vấn đề cạnh tranh trong quan hệ Nga – Trung.
(Theo asiatimes.com)
Theo: Cánh cò