Vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong đang gây bức xúc trong dư luận. Trong khi các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc để điều tra làm rõ hành vi sai phạm và xử lý nghiêm minh những người có hành vi phạm tội thì nhiều “kền kền dân chủ” cũng ngay lập tức lợi dụng vụ việc và sự quan tâm của dư luận để tiến hành xuyên tạc, chống phá.
Đối với vụ án cháu bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong, đây là trường hợp hết sức đau lòng, gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều kẻ “mượn gió bẻ măng”, “tát nước theo mưa”, lợi dụng vụ việc để đơm đặt, đưa đẩy thông tin nhằm tạo cớ tấn công chính quyền. Trong đó, có thể kể đến như việc Việt Tân quy chụp: “Một thể chế tử tế hay không thể hiện ở chỗ trẻ em có được sống tử tế và được nghiêm ngặt bảo vệ hay không”. Chân trời mới media tung tin sai trái cho rằng: “Nhân quyền thì giấu đi, luật pháp thì bưng bít những điều tiến bộ mà thế giới buộc phải ghi vào, thảm cảnh vẫn tiếp tục xảy ra cho con người VN là điều không thể tránh khỏi”. Ngoài ra, trên mạng xã hội còn xuất hiện không ít “tin hành lang”, “tin bên lề” cho rằng dì ghẻ và cha của cháu bé là những người có “cơ to”, mối quan hệ rộng nên các cơ quan chức năng sẽ bao che, không xử lý mạnh tay…
Những thông tin, luận điệu như trên là hoàn toàn sai trái, vô căn cứ, không đúng sự thật. Từ một vụ án, các “nhà bình loạn” đã tạo thành cái cớ để tấn công cả một chế độ. Đây là điều phi logic, không thể chấp nhận được.
Thủ đoạn xuyên tạc vụ án để đánh lừa, dẫn dắt dư luận theo ý đồ xấu không phải là mới. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mục đích khác nhau, hàng loạt tin giả đã được tung ra. Có những đối tượng đưa tin sai trái chỉ nhằm câu like, câu view, thu hút dư luận. Vậy nhưng cũng có không ít kẻ lợi dụng vụ việc, tung tin không đúng để tạo cớ tấn công, phá hoại đất nước. Trước vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong, chúng ta cũng được chứng kiến nhiều màn “nổi đồng”, “lên hương” của các đối tượng xấu trong các vụ án tương tự. Trong đó, có thể kể đến như vụ nữ sinh giao nhà tại Điện Biên, vụ cháu bé tử vong tại trường Gateway, vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em, vụ bé gái 6 tuổi ở Nghệ An bị dâm ô… Bất chấp đúng sai, không ít kẻ tự cho mình là “điều tra viên”, “kiểm sát viên”, “thẩm phán” để đưa ra những nhận định, đánh giá chủ quan, phiến diện, một chiều, quy kết, đổ lỗi cho chính quyền. Những kẻ này cố tình tạo sóng, quấy phá, làm nhiễu loạn dư luận để kích động sự hoang mang, hoài nghi trong quần chúng. Từ đây, chúng tiêm nhiễm, gieo rắc những thông tin, luận điệu phá hoại đất nước.
Đối với vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong, đây là điều là xã hội không hề mong muốn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan tố tụng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Lý do của sự việc đau lòng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà được quyền đổ lỗi cho chế độ. Nếu chế độ ta đẩy vô cảm, vô đạo đức thì liệu khi vụ việc xảy ra dư luận có bất bình, dậy sóng mạnh mẽ như hiện tại hay không? Xin nhắc lại, dù trong xã hội nào thì cũng có những góc khuất, mảng tối, những điều chưa hoàn hảo. Có lẽ, câu chuyện của cháu Nhật Linh bị sát hại tại Nhật Bản dư luận vẫn chưa hết bồi hồi. Theo đúng suy luận của Việt Tân, Chân trời mới media và các “nhà dân chủ” thì phải chăng Nhật Bản – một quốc gia tư bản – cũng không có “dân chủ”, “nhân quyền”?
Không một xã hội, một chế độ nào hiện nay cổ suý cho hành vi bạo hành trẻ em. Hành động lấy một vụ việc đơn lẻ để thổi phồng, nói quá, tấn công chính quyền là điều vô lý.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ