Mục tiêu tấn công ban đầu của SARS-CoV-2 có thể không phải hệ hô hấp mà là hệ miễn dịch. Một nhóm chuyên gia Israel cho rằng nếu giả thuyết này đúng, nó sẽ mở ra một hướng điều trị mới với Covid-19.
Hãng tin Times of Israel dẫn một nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học của Đại học Ben Gurion (Israel) cho rằng, có lẽ đến lúc thế giới cần nhìn nhận lại quan niệm Covid-19 là một bệnh hô hấp, thay vào đó, nó là một bệnh cả về hô hấp và hệ miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, quan niệm đó có thể giúp giải thích cho bản chất bất thường của Covid-19 và có thể mở đường cho việc sử dụng các chất chống oxy hóa để điều trị căn bệnh này.
Họ nghiên cứu về ti thể, thường được ví là “nhà máy điện” của tế bào. Những ti thể này tạo ra hầu hết năng lượng hóa học cần thiết để cung cấp năng lượng cho các phản ứng sinh hóa của tế bào.
Giáo sư Dan Mishmar, trưởng nhóm nghiên cứu và là Chủ tịch Hiệp hội Di truyền Israel, cho biết: “Chúng tôi đã dự đoán sẽ có sự thay đổi trong ti thể ở phổi, chứ không phải ở máu bởi vì suy cho cùng Covid-19 vốn được coi là một bệnh hô hấp. Tuy nhiên, chúng tôi lại thấy một điều hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi không thấy bất cứ sự thay đổi nào của ti thể ở phổi, song nhận thấy sự thay đổi đáng kể ở máu”.
Theo ông Mishmar, máu là một chỉ báo quan trọng cho thấy tình trạng của hệ miễn dịch, và nghiên cứu của ông cho thấy, sự suy yếu hệ miễn dịch xảy ra trước khi xuất hiện bất kỳ vấn đề hô hấp nào.
Giả thuyết của nhóm nghiên cứu đó là sự bất thường chức năng của ti thể dẫn đến một số tác động đáng lo ngại ở Covid-19 bao gồm bão cytokine – một phản ứng quá mức của hệ miễn dịch có thể gây ra tử vong nhanh chóng. ” Có thể chính những rối loạn chức năng trong hệ miễn dịch đã dẫn đến cả cơn bão cytokine và các bệnh liên quan đến phổi”, ông Mishmar.
Theo ông Mishmar, tình trạng của bệnh nhân Covid-19 có thể được cải thiện nhờ các chất chống oxy hóa hiện có. “Đến nay, vai trò của ti thể gần như bị bỏ qua, hiện giờ chúng tôi đang xác định nó là nhân tố quan trọng và bắt đầu tìm hiểu cách cải thiện chức năng của ti thể để giúp giảm các triệu chứng do Covid-19 gây ra”, giáo sư Mishmar nói.
Nghiên cứu trên hiện chưa có bình duyệt.
Covid-19 khởi phát cuối năm 2019 và được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến nay, đại dịch này đã khiến gần 280 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, lấy đi sinh mạng của hơn 5,4 triệu người. Thế giới đã chạy đua để phát triển, phân phối vaccine ngừa Covid-19 nhằm ngăn virus lây lan. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 vẫn đang gây lo ngại, trong đó có biến chủng Delta và biến chủng mới nhất có tên gọi Omicron.
Theo các nghiên cứu ban đầu, biến chủng này có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các chủng khác của SARS-CoV-2 nhưng độc lực có thể thấp hơn.
(Theo Times of Israel)
Theo: Cánh cò