Các nhà nghiên cứu Úc đã phát triển thành công một phương pháp xét nghiệm mới, với mẫu xét nghiệm là máu ở đầu ngón tay, cho kết quả chính xác cao liên quan đến khả năng miễn dịch Covid-19 chỉ sau 20 phút.
Được phát triển bởi các nhà khoa học đến từ Viện Burnet cùng Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, xét nghiệm nêu trên là xét nghiệm POC duy nhất có thể đo được hoạt động của kháng thể trung hòa (NAb), vốn tương quan với mức độ miễn dịch chống lại Covid-19, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí EbioMedicine vào ngày 22-12.
Đây được xem là một bước đột phá, bởi những xét nghiệm POC khác chỉ có thể đo được mức độ tổng thể của kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và sử dụng kết quả này để ước tính NAb.
Các nhà khoa học còn khẳng định xét nghiệm POC của họ có thể được điều chỉnh để cung cấp thông tin về việc liệu người được xét nghiệm có kháng thể chống lại một biến thể cụ thể, chẳng hạn như Omicron, hay không.
Theo Phó Giám đốc Viện Burnet David Anderson, phương pháp xét nghiệm mới có thể được sử dụng để xác định nhanh chóng thời điểm cần tiêm mũi vắc-xin tăng cường.
Các nhà khoa học kỳ vọng phương pháp xét nghiệm này sẽ trở thành một lựa chọn mới cho sàng lọc miễn dịch để hỗ trợ các chương trình tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là ở những tình huống nguy cấp và ở những cộng đồng nghèo khó hoặc bị cô lập – nơi người dân khó tiếp cận phương pháp xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Trong khi đó, Công ty AstraZeneca ngày 21-12 thông báo đang hợp tác với Trường ĐH Oxford (đều của Anh) để sản xuất vắc-xin đặc hiệu chống Omicron, phòng khi cần sử dụng.
Trưởng nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Oxford, ông Sandy Douglas, khẳng định với báo Financial Times rằng những loại vắc-xin được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus (như vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca/Oxford) về nguyên tắc có thể được cập nhật để đối phó với mọi biến thể mới “một cách nhanh chóng”.
Trước đó, Công ty Pfizer và Công ty Moderna (đều của Mỹ) cũng đã thông báo rằng họ đang nghiên cứu để bào chế vắc-xin đặc hiệu chống lại Omicron. Moderna hy vọng có thể bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm tới.
Những thông tin trên được chia sẻ giữa lúc chính phủ các nước trên toàn thế giới kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của Omicron, vốn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả là đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy ở những biến thể khác.
Trong một nghiên cứu được công bố hồi tuần trước, nhóm chuyên gia của Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) khẳng định mũi tiêm tăng cường có thể cung cấp khả năng bảo vệ lên đến 80% trước Omicron.
Sử dụng vắc-xin của AstraZeneca và Pfizer, nghiên cứu cho thấy mức độ hiệu quả của vắc-xin trước Omicron là 0%-20% sau mũi tiêm thứ 2 và 55%-80% sau mũi tiêm bổ trợ.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò