Saturday, November 23, 2024

“Cây tre Việt Nam” trong đường lối ngoại giao

Xưa nay, ngoại giao có thể xem là một trong số những thế mạnh vượt trội của Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Chuyên gia phân tích Trung tâm ASEAN tại Học viện ngoại giao Moscow, bà Valeria Vershinina khẳng định: “Vì Việt Nam có đường lối đối ngoại cân bằng, hài hòa giữa các bên, chú trọng ngoại giao đa phương, mở rộng mối quan hệ nên Việt Nam có thế mạnh ngoài giao hòa giải. Chính vì vậy nên rất nhiều quốc gia ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Liên Hợp quốc”.

“Cây tre Việt Nam” trong đường lối ngoại giao
Việt Nam đã rất thành công với việc ngoại giao vaccine.

Trong quan hệ ngoại giao, chiến lược chung của Việt Nam vẫn là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, mềm dẻo, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt để giữ được tất cả mối quan hệ tốt đẹp, bảo vệ được lợi ích của đất nước và dân tộc. Cái mềm dẻo, uyển chuyển, khôn ngoan rõ thấy trong đại dịch Covid-19 khi Việt Nam kêu gọi các nước và chương trình COVAX hỗ trợ vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, chỉ cần nước đó có vaccine là chúng ta đều mở lời đàm phán. Nhờ thế mà Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương.

Không chỉ mở lời cho quốc gia mình, mà Việt Nam còn lên tiếng với Liên Hợp quốc và WHO hỗ trợ chuyển giao vaccine cho tất cả các nước đang phát triển, những nước đang đối diện với khủng hoảng dịch bệnh. Đó là sự khôn khéo vì lợi ích chung của nhiều quốc gia, nhưng trong cái chung lại có cái riêng. Đặc biệt, tại Liên Hợp quốc, Việt Nam đã từng lên tiếng về việc phân bổ vaccine giữa các nước thiếu công bằng, đây là vấn đề được các chuyên gia đánh giá rất thiết thực và cấp bách. Việt Nam luôn thể hiện quan điểm tự lực nhưng trước tình hình thế giới có nhiều biến động thì các quốc gia phải tăng cường hợp tác, đoàn kết lại với nhau. Rõ thấy, Việt Nam ứng xử rất mềm mỏng nhưng trong đó cũng không kém phần quyết liệt, cứng rắn. Nhà nghiên cứu chính trị ngoại giao Mỹ, ông David Brown từng nhận xét: “Tôi rất ấn tượng với ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là trước đại dịch Covid-19, sự kết hợp khả năng sản xuất vaccine ngày càng gia tăng trên thế giới và khả năng ngoại giao của Việt Nam thì tin rằng Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Đáng chú ý, trong đường lối ngoại giao của Việt Nam, chúng ta còn thấy được chiến lược “lạt mềm buộc chặt”, biết cương biết nhu, lấy nhu thắng cương. Chính chiến lược này đã phát huy được hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh. Từ ngoại giao bên ngoài tốt đẹp mới phục vụ tốt nhất cho công tác đối nội, xây dựng, phát triển đất nước bên trong. Điển hình như trong vấn đề biển Đông, Việt Nam luôn cho thấy sự mềm dẻo, khôn ngoan của mình khi đưa vấn đề biển Đông trở thành vấn đề chung của quốc tế. Tại các hội nghị đa phương, cuộc tiếp xúc song phương, Việt Nam luôn lên tiếng kêu gọi các nước duy trì hòa bình và tình hình ổn định của biển Đông. Nhưng khi Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam, ngay lập tức, Việt nam lên tiếng phản đối, có nhu có cương, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn hợp lý. Song song đó, chúng ta vẫn duy trì lực lượng chấp pháp ở trên thực địa, bình tĩnh quan sát, không động binh trước. Điều này thể hiện rõ chiến lược lấy nhu thắng cương, không cho Trung Quốc có cơ hội xâm chiếm lãnh thổ nước ta, buộc họ phải rút tàu về nước.

“Cây tre Việt Nam” trong đường lối ngoại giao
Khi hàng trăm tàu của Trung Quốc tập trung ở khu vực đá Ba Đầu ở đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.

Ngẫm lại chủ trương, đường lối ngoại giao của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rất giống với đặc tính và công dụng của cây tre. Từ bao đời nay, tre chính là linh hồn của người dân Việt Nam, đi cùng bao thế hệ từ những ngày đầu dựng nước, giữ nước. Dù thân gầy guộc, lá mong manh nhưng lại là những thành lũy kiên cố giúp bà con đánh giặc, bảo vệ đất nước. Ngày nay, mặc dù không còn hình ảnh cây tre cùng người dân đánh trận nhưng những đặc tính như “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” vẫn được vận dụng trong việc phát triển và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao. Từ cái gốc tre kiên cố, truyền qua bao đời, cứ tre già, lá rụng, chẳng may thân gãy thì măng lại mọc như một sự bất biến của dân tộc, không gì thay đổi được. Nòi tre không chịu mọc cong cũng giống như Việt Nam luôn cho thấy sự chính nghĩa, can trường của mình trước cộng đồng thế giới. Tre mềm dẻo, cứng rắn linh hoạt, dù đối diện với bao bão bùng thì vẫn giữ được mình, không để bật gốc. Đó là lý do mà tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến cây tre và nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

“Cây tre Việt Nam” trong đường lối ngoại giao
Tổng Bí thư nhấn mạnh rõ nhiệm vụ xây dựng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt công tác ngoại giao, vị thế của Việt Nam cũng được nâng tầm rất lớn. Đặc biệt, sau bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đường lối, chủ trương ngoại giao của Việt Nam đã được khái quát một cách gãy gọn, dễ hiểu hơn mà bất kỳ ai cũng có thể nắm được. Chỉ cần nghĩ về cây tre, chúng ta sẽ biết mình cần làm gì để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích đất nước, đặc biệt là các nhà ngoại giao khi đem chuông đi đánh xứ người.

Đặng Trường

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG