“Đối đầu Mỹ – Trung buộc Việt Nam phải chọn bên” là luận điệu được Đỗ Hoàng Điềm, đối tượng cầm đầu tổ chức phản động Việt Tân đưa ra. Kèm theo đó là nhiều lập luận phi lý, sai trái, xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Buộc Việt Nam phải “chọn bên” trong các mối quan hệ quốc tế là thủ đoạn được các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị sử dụng từ lâu. Thực chất, đây là hành động ép Việt Nam phải thu hẹp các mối quan hệ, lựa chọn “phe này”, “phe kia” trong quan hệ ngoại giao.
Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, Mỹ được coi là “anh cả” của các nước tư bản, có tiềm lực lớn trên tất cả các phương diện, từ tài chính cho đến quốc phòng. Ngược lại, Trung Quốc là nước theo chế độ cộng sản, đang tiến hành xây dựng đất nước theo chủ trương “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Các mối quan hệ của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng đang được mở rộng. Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang tồn tại những bất đồng vô cùng sâu sắc. Cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự lẫn khoa học công nghệ. Theo đánh giá của giới chuyên gia, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc rất có thể sẽ làm thay đổi cục diện thế giới, định hình lại các mối quan hệ quốc tế.
Trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc, Việt Nam cũng chịu không ít tác động. Các đối tượng xấu liên tục công kích, thúc ép, hướng lái Việt Nam chỉ được “chơi với một người”, lựa chọn “chơi” với Mỹ hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam là sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình độc lập và phát triển. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục củng cố mối quan hệ với cả hai nước này.
Thực tế, chẳng có lý do gì để Việt Nam phải nghiêng bên này, ngả bên kia. Bất kỳ ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi thì Việt Nam đều sẵn sàng làm bạn. Quan hệ quốc tế là quan hệ “win – win”, cả hai bên cùng có lợi. Việc “chọn phe” chính là hành động bó buộc bản thân, không khác nào việc tự chặt đi tay chân của chính mình. Dân gian vẫn nói “thêm một người bạn là bớt đi một kẻ thù”. Vậy tại sao các “nhà dân chủ” cứ buộc Việt Nam phải “thêm nhiều kẻ thù”?
Đặt trong mối quan hệ với Việt Nam, Mỹ là quốc gia có chế độ chính trị khác biệt. Trong khi đó, Trung Quốc là nước có chế độ chính trị tương đồng, cùng đi theo chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, chúng ta vẫn còn những mặt, những phương diện bất đồng. Nếu chọn “phe” Mỹ thì cái giá chúng ta phải đánh đổi là thay đổi chế độ chính trị. Nếu chọn “phe” Trung Quốc thì chúng ta phải đối đầu với rất nhiều nước tư bản có mối quan hệ lâu năm với Hoa Kỳ. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam đang ở vị trí trung lập, cân bằng các mối quan hệ quốc tế. Chẳng có lý do gì để Việt Nam tự lấy đá đập vào chân mình, phá bỏ sự cân bằng đang có.
Hơn hết, chỉ có đi bằng đôi chân của chính mình mới có thể bảo vệ được nền hoà bình, ổn định, độc lập, tự do của đất nước. Việc “dựa” vào bất kỳ ai, bất kỳ đất nước nào cũng là điều không an toàn. Vì đơn giản, trong quan hệ quốc tế, không ai cho không ai bất cứ thứ gì.
Các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong những năm vừa qua liên tục công kích chính sách đối ngoại của Việt Nam, đòi Việt Nam phải thay đổi, tham gia vào các liên minh chính trị, liên minh quân sự. Ẩn sau những lời lẽ tưởng chừng như đầy tâm huyết, vì nước vì dân thực chất là mưu đồ phá hoại nền hoà bình, ổn định đang có của Việt Nam. Một lần nữa nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện tại, chẳng có lý do gì để Việt Nam phải “chọn bên”.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ