Trong quá trình tìm đường cứu nước cũng như đặt nền móng xây dựng nước Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Nhờ đường lối đúng đắn đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước. Thế nhưng vẫn có những người cho rằng chúng ta cần phải cầu xin sự chú ý của một thế lực nào đó.
Thời gian gần đây, nước Mỹ đẩy mạnh ngoại giao, lập ra cái gọi là “chiến lược liên minh các nền dân chủ” để nhằm tạo phe cánh chống lại các đối thủ như Nga và Trung Quốc. Nhiều nhân vật cơ hội chính trị nhân dịp này kêu gào rằng Mỹ không “mời” Việt Nam tham gia vì thể chế sai lầm của Việt Nam. Tiếng Dân News trong bài viết mới cũng có luận điệu tương tự, khi so sánh Việt Nam với Đài Loan, vốn chỉ là một vùng lãnh thổ ly khai của Trung Quốc. Rồi cho rằng Việt Nam thua kém Đài Loan và chẳng có gì khác ngoài vị trí địa lý để khiến các cường quốc như Mỹ và châu Âu quan tâm.
Không khó để nhận ra ẩn ý trong bài viết này là nhằm chê bai thể chế chính trị và hạ thấp vị thế của Việt Nam. Có lẽ cũng cần đặt cho họ câu hỏi, họ muốn Việt Nam được Mỹ và phương Tây chú ý để làm gì, “trợ giúp” hay “chiếu cố”? Bao thế hệ người Việt Nam, đã không tiếc máu xương để chiến đấu với giặc ngoại xâm vì muc tiêu “độc lập và tự do” cho Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nếu chúng ta cần ai đó “trợ giúp” hay “chiếu cố”, thì còn đâu là ý nghĩa của độc lập và tự do. Hãy nhìn sự mong manh của Đài Loan để thấy cái giá của việc luôn luôn phụ thuộc vào nước khác, họ trội hơn Việt Nam ở vài khía cạnh về kinh tế, nhưng làm sao có thể so sánh với Việt Nam ở sức mạnh tổng thể của cả một dân tộc.
Từ nền móng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp, con đường của người Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc độc lập dân tộc, tự chủ, tự lực, tự cường, lấy đó làm kim chỉ nam cho hành động. Chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong quá khứ và ngày nay, Việt Nam đang có vị thế lớn hơn bao giờ hết. Chúng ta đường hoàng ký kết các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và thể chế chính trị của nhau. Đó có thể không phải là sự “chú ý” mà ai đó mong đợi, nhưng đó chắc chắn là sự chú ý bền vững và mang lại lợi ích tốt nhất cho dân tộc. Trong thời đại thế giới đang ngày càng chuyển sang xu hướng đa cực như hiện nay, vị thế độc tôn của một quốc gia nào đó không còn tồn tại nữa. Vậy thì nên lựa chọn đa dạng hóa đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại như Việt Nam hay chọn lựa xin sự “chú ý” của “một cực” nào đó để đổi lấy vị thế bấp bênh và rủi ro xung đột với những nước còn lại? Hỏi đã là trả lời.
Cũng cần nói thêm là tư duy bám víu vào Mỹ và phương Tây đã quá cũ kỹ, nó thuộc về thời kỳ thế giới đơn cực cách đây gần 20 năm. Vật đổi sao dời, mọi thứ đã thay đổi quá nhanh trong thời gian đó. Sự chuyển dịch của thế giới sang đa cực, sự nổi lên của Việt Nam từ một nước nghèo nàn lạc hậu nay thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, và cả sự lạc hậu của những khái niệm. Nước Mỹ đang hô hào lập “liên minh các nền dân chủ” để chống lại các địch thủ của mình, nhưng hài hước là trong Báo cáo hàng năm của Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển được công bố mới đây, Mỹ bị xếp vào nhóm các nước có nền dân chủ thụt lùi.
Các “chuyên gia” của Tiếng Dân News có lẽ cần sớm nhận ra những thứ mà họ đang rêu rao coi là chuẩn mực đã không còn quá long lanh nữa, và cái tư duy xuyên tạc, bôi nhọ, đi ngược lại lợi ích dân tộc của họ sẽ sớm bị đào thải.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ