Thông báo mới nhất từ CDC Mỹ, hành khách trở về từ Nam Phi ngày 22/11 được xác định là nhiễm biến thể Omicron, triệu chứng nhẹ và đang được điều trị.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm nay cho biết ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại nước này là cư dân bang California, trở về từ Nam Phi hôm 22/11 và xét nghiệm dương tính nCoV sau đó một tuần. Giải mã trình tự gene xác nhận người này đang mang biến chủng Omicron.
“Người này đang tự cách ly, có triệu chứng nhẹ và đã cải thiện. Những trường hợp tiếp xúc gần đã được truy vết và cho kết quả âm tính”, thông cáo của CDC có đoạn.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci cho biết người này đã tiêm chủng đầy đủ, nhưng chưa được tiêm liều vaccine tăng cường. Ông nói sẽ cần trên hai tuần để xác định khả năng lây nhiễm của Omicron, cũng như mức độ nghiêm trọng và liệu nó có vượt qua khả năng bảo vệ vaccine hay không.
Mỹ chưa ghi nhận ca lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng. “Điều quan trọng là chúng ta có ghi nhận trường hợp lây nhiễm cộng đồng nào từ ca bệnh này hay không. Đó là điều chúng tôi muốn theo dõi”, Andy Pekosz, chuyên gia virus tại Trường Y tế Bloomberg thuộc Đại học John Hopkins, cho hay.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hôm nay báo cáo hơn 49,5 triệu ca nhiễm và gần 805.000 người chết do nCoV, tăng lần lượt 105.070 và 1.400 trường hợp so với một ngày trước đó.
Fauci cuối tuần trước cho rằng áp đặt hạn chế đi lại sẽ giúp giới nghiên cứu có thêm thời gian xác định những yếu tố chưa biết về Omicron, kêu gọi người dân không hoảng loạn và nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19 trong bối cảnh nhiều bang tại Mỹ đang chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt. “Không được mất cảnh giác”, ông cho hay.
Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách đáng lo ngại.
Hơn 20 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng này, trong đó có nhiều nước châu Âu và châu Á. Giới khoa học toàn cầu đang tìm hiểu liệu biến chủng mới có đột biến đáng kể so với các chủng trước hay không, cũng như mức độ lây nhiễm, khả năng gây tử vong và tránh miễn dịch.
Nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại chủ yếu với các chuyến bay từ miền nam châu Phi, bất chấp cảnh báo của WHO rằng lệnh cấm đi lại không ngăn được biến chủng mới lây lan.
Ngọc Anh (Theo Reuters)
Theo: Cánh cò