Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là dự án giao thông lớn và phức tạp hàng đầu ở nước ta với hàng thập kỷ thi công. Nay dự án đã đi vào vận hành thành công, được đông đảo người dân hưởng ứng, nhưng những kẻ cơ hội, phản động thì vẫn không thể nào chấp nhận sự thật.
Việt Tân mới đây dẫn lại số liệu vận hành dự án Cát Linh – Hà Đông trong 4 ngày thu phí đầu tiên (sau 15 ngày miễn phí), với kết quả trung bình là 81 hành khách/chuyến, thấp hơn khá nhiều so với công suất thiết kế là 960 hành khách/chuyến. Và bắt đầu điệp khúc là “tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông không được người dân ủng hộ”.
Thực tế, con số 81 hành khách/chuyến chỉ có ý nghĩa nhất thời, trong những ngày đầu tiên chuyến tàu vận hành. Theo thống kê, trong tuần đầu thực hiện thu phí (21/11-27/11), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chạy trên 1.400 chuyến, phục vụ hơn 110.000 lượt người, bình quân ngày khoảng 16.000 khách. Tổng giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết, “sau bảy ngày thu tiền vé, số người đi trải nghiệm đã giảm, thay vào đó là người đi làm việc thường xuyên. Tỷ lệ người sử dụng vé tháng đã tăng từ 10% những ngày đầu lên 20%, có thể tiếp tục tăng những ngày tới“.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, “con số 16000 hành khách/ngày là cao so với xe buýt. Không có tuyến xe buýt (đơn lẻ) nào mỗi ngày đạt được con số này, cho thấy sức chở lớn của tàu điện rất cao, là phương tiện chở khách công cộng hiệu quả. Con số mới một tuần chưa thể đánh giá đúng, sau vài tháng sẽ chính xác hơn“.
Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch, tại Hà Nội, những đối tượng hành khách có nhu cầu sử dụng tàu điện thường xuyên là sinh viên học sinh chưa đi học, người lao động chưa đi làm ổn định. Một số tiện ích cho người đi tàu như bãi đỗ, gửi xe, kết nối với các tuyến xe buýt vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện. Trong bối cảnh như vậy, việc số lượng hành khách đi tàu và mua vé tháng tăng dần là hết sức đáng khích lệ.
Còn theo Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – Nghiêm Quốc Thắng cho hay, “Đây là loại hình vận tải mua thói quen đi lại của người dân nên cần thời gian. Hà Nội đã phải mất 10 năm để người dân có thói quen đi xe buýt như hiện nay”. Cần biết thói quen của mỗi người là một thứ không dễ thay đổi, ví dụ như phải mất một thời gian rất dài thì người dân mới chuyển thói quen mua sắm trực tiếp tại cửa hàng thành mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử hay trang web như hiện nay. Và khi hành khách dần nhận ra những lợi ích đáng kể của “thói quen” dùng tàu điện như: sạch sẽ, vệ sinh, không tắc đường, văn minh, lịch sự thì chắc chắn số lượng sẽ còn tăng lên.
Từ dự án này, chúng ta thu được nhiều kinh nghiệm để nhanh chóng thi công các tuyến tàu điện khác, giúp tăng tính tiện lợi và số hành khách đi tàu chắc chắn sẽ tương đương như ở các nước phát triển, do đây là một xu hướng giao thông tất yếu. Nếu như khi dự án chưa thi công xong, Việt Tân coi đó là “thất bại”, thì khi dự án đã hoàn thành đi vào vận hành, cùng nhiều dự án khác trong tương lai, liệu họ có coi là “thành công”?
Khả năng này có lẽ rất thấp, vì họ luôn luôn nhìn vào dự án Cát Linh – Hà Đông nói riêng, cũng như xã hội Việt Nam nói chung với đôi mắt đầy định kiến, hẹp hòi.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ