Chuyên gia của Nam Phi, tiến sĩ Angelique Coetzee, nhận thấy những F0 khỏe mạnh nhiễm biến chủng mới có các triệu chứng rất khác thường.
Bà Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, là bác sĩ đầu tiên cảnh báo cho giới chức y tế Nam Phi về biến chủng mới. Trả lời phỏng vấn của Telegraph, vị chuyên gia cho biết biến chủng Omicron khiến các bệnh nhân nhiễm phải có triệu chứng bất thường, song, họ đều ở thể nhẹ.
Tiến sĩ Angelique Coetzee cho biết lần đầu tiên được cảnh báo về nguy cơ xuất hiện biến chủng mới khi một số F0 đến khám tại bệnh viện tư của bà ở thủ đô Pretoria. Họ mắc Covid-19 nhưng các triệu chứng không rõ ràng ngay lập tức.
Những bệnh nhân này đều trẻ tuổi (<40 tuổi), thuộc nhóm sắc tộc khác nhau, báo cáo về tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Một bệnh nhi là em bé 6 tuổi bị nhịp tim cao bất thường.
“Các triệu chứng của họ khác và rất nhẹ so với những người tôi đã điều trị trước đây”, bác sĩ Coetzee – người có kinh nghiệm 33 năm trong ngành y – cho biết.
Trước đó, ngày 18/11, 4 thành viên trong một gia đình có kết quả dương tính với nCoV. Họ gặp phải tình trạng rất mệt mỏi. TS Coetzee đã báo cáo các ca bệnh này với Ủy ban Tư vấn vaccine Nam Phi.
Theo vị chuyên gia, tổng cộng khoảng 20 bệnh nhân mà bà tiếp nhận có kết quả dương tính với nCoV có triệu chứng của biến chủng mới. Hầu hết họ là nam giới, khỏe mạnh, cảm thấy mệt mỏi. Khoảng 50% trong số này chưa được tiêm vaccine Covid-19.
Bà Coetzee cũng nhận thấy điểm chung của tất cả F0 nhiễm biến chủng Omicron là gặp phải tình trạng đau cơ, mệt mỏi trong 1-2 ngày. Các triệu chứng đều không đặc hiệu.
Không ai trong số họ bị mất vị giác hay khứu giác. Người nhiễm chủng Omicron có thể ho nhẹ, ngoài ra, họ cũng không biểu hiện triệu chứng nào đáng kể. Trong những bệnh nhân mắc Covid-19 vì Omicron, một số trường hợp có thể điều trị tại nhà.
“Điều đặc biệt là một em bé 6 tuổi có nhịp tim, thân nhiệt cao bất thường. Sau khi theo dõi hai ngày, sức khỏe của bé gái đã tốt hơn rất nhiều”, bà Coetzee nói thêm.
Nhưng điều khiến vị chuyên gia lo lắng đó là biến chủng mới có thể tấn công người cao tuổi, mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim. Bà đã gửi cảnh báo này tới Hiệp hội Y tế châu Phi.
“Vấn đề khiến chúng tôi lo lắng bây giờ là khi những người lớn tuổi chưa được tiêm chủng nhiễm iến chủng mới, họ dễ trở nặng và số F0 nguy kịch sẽ tăng cao”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Tại Nam Phi, khoảng 6% dân số là người trên 65 tuổi.
Quá trình phát hiện biến chủng mới
Để tìm ra những biến chủng của một loại virus đòi hỏi nỗ lực đồng bộ từ nhiều cơ quan y tế khác nhau. Anh và Nam Phi chính là hai quốc gia đầu tiên thiết lập mạng lưới gene của virus SARS-CoV-2 kể từ tháng 4/2020.
Quá trình săn tìm các biến chủng chủ yếu bao gồm việc lập bản đồ chuỗi gene virus của các trường hợp được xác nhận mắc Covid-19. Theo đó, mỗi chuỗi gene sẽ được đối chiếu, so sánh với các ca bệnh khác trong khu vực và trên thế giới, để tìm ra các đột biến nếu có.
Nếu các nhà khoa học phát hiện nhiều điểm khác biệt thì những trường hợp này sẽ được nghiên cứu kỹ hơn để xác minh kết quả ban đầu.
Nam Phi là một trong những quốc gia được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho quá trình này. Một kho dữ liệu vận hành bởi NGS-SA được thành lập. Đây là nơi mà kết quả xét nghiệm từ tất cả các phòng thí nghiệm công lập sẽ được tập trung và lưu trữ.
Thêm vào đó, Nam Phi cũng vận hành các cơ sở thí nghiệm có khả năng nuôi cấy virus và xác định mức độ hiệu quả của kháng thể hình thành sau khi tiêm vaccine, hoặc sau khi nhiễm virus, đối với các biến chủng mới của Covid-19.
Dữ liệu từ các cơ sở này sẽ giúp giới khoa học hiểu được mức độ nguy hiểm của những biến chủng mới.
Một trong những thành quả của quá trình này chính là việc tìm ra biến chủng Beta của Covid-19. Với khả năng lây nhiễm mạnh mẽ hơn so với chủng virus SARS-CoV-2 nguyên bản, biến chủng Beta gây ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tại Nam Phi. Chính vì vậy, biến chủng này được WHO xác định là một chủng virus “đáng lo ngại”.
Trong năm 2021, một chủng virus khác được liệt vào nhóm “đáng lo ngại” là Delta. Nó nhanh chóng lan ra toàn cầu và gây ra làn sóng thứ 3 của đại dịch.
Gần đây, các phòng thí nghiệm thành viên của NGS-SA tiếp tục phát hiện biến chủng mới – B.1.1.529 – trong khi xét nghiệm và đối chiếu các mẫu virus.
Kể từ giữa tháng 11, 77 trường hợp tại tỉnh Gauteng của Nam Phi được xác nhận nhiễm biến chủng này.
Một số ca nhiễm biến chủng B.1.1.529 cũng được phát hiện tại quốc gia láng giềng của Nam Phi là Botswana. Gần đây, một du khách từ Nam Phi đến Hong Kong (Trung Quốc) cũng được xác định đã nhiễm biến chủng này.
Chỉ trong một tuần, nhiều quốc gia ở rải rác các châu lục trên thế giới thông báo phát hiện ca nhiễm biến chủng mới. B.1.1.529 nhanh chóng được WHO đưa vào danh sách các biến chủng “đáng lo ngại” vào hôm 26/11, được đặt tên là biến chủng Omicron.
Số đột biến nhiều đáng kể
Các nhà khoa học cho biết Omicron là biến chủng mang nhiều đột biến nhất cho tới nay. Theo kết quả nghiên cứu, biến chủng này có hơn 50 đột biến, trong đó 32 đột biến nằm ở tế bào protein gai, loại protein giúp virus bám vào các tế bào của cơ thể.
Các nhà sản xuất vaccine nhanh chóng xác định đây là một biến chủng đáng lo ngại. Moderna cho biết biến chủng Omicron mang đến một “nguy cơ tiềm ẩn lớn” đối với vaccine ngừa Covid-19 của hãng.
“Biến chủng Omicron bao gồm các đột biến vốn có của biến chủng Delta, vốn được cho là làm tăng khả năng lây nhiễm. Omicron còn có các đột biến được thấy trong biến chủng Beta và Delta có khả năng thúc đẩy quá trình trốn tránh hệ miễn dịch”, Moderna cho biết trong một thông báo.
“Sự kết hợp của các đột biến mang đến nguy cơ tiềm ẩn lớn để đẩy nhanh sự suy yếu của khả năng miễn dịch tự nhiên và khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra”, hãng dược phẩm Mỹ cho biết thêm.
Trong khi WHO đưa Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, tổ chức này cũng nhấn mạnh cần có thêm các nghiên cứu để xác định liệu biến chủng có gây lây nhiễm nhiều hơn, hay khiến bệnh nặng hơn, hoặc có thể vô hiệu hóa vaccine, hay không.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò