“Lo sợ lớn nhất của tôi đó là biến chủng này có thể trở nên dễ lây lan như Delta và nguy hiểm như Ebola”, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) nói.
Theo RT, ông Frank Ulrich Montgomery, chủ tịch WMA, ngày 27/11 đã có chia sẻ với truyền thông Đức mối lo ngại của ông trong bối cảnh thế giới vừa phát hiện Omicron – một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
“Lo sợ lớn nhất của tôi đó là biến chủng này có thể trở nên dễ lây lan như Delta và nguy hiểm như Ebola”, ông Frank nói.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là con người phải hành động để virus không có cơ hội biến đổi hơn nữa và để làm được điều đó, mở rộng tiêm chủng toàn cầu là vô cùng cần thiết.
Ông Frank viện dẫn, ban đầu, con người đã xem nhẹ mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta và tin rằng thế giới sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ khi được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào đầu năm nay, Delta đã trở thành biến chủng trội toàn cầu, chiếm hơn 99% số ca nhiễm, đảo ngược thành quả chống dịch của nhiều nền kinh tế.
Delta được cho là có khả năng lây lan cao hơn 60% so với chủng ban đầu của SARS-CoV-2. Trong khi đó, virus Ebola được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Sudan và Cộng hòa Congo vào năm 1976. Virus này từng gây ra đợt dịch ở Tây Phi khiến hơn 11.000 người tử vong trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong trung bình do virus này gây ra khoảng 50%, thậm chí, một số biến thể của Ebola khiến 90% ca mắc tử vong.
Việc so sánh một biến chủng tương lai của SARS-CoV-2 có thể nguy hiểm như Delta hay Ebola cho thấy lo ngại của ông Frank cũng như nhiều nhà khoa học về sự biến đổi của loại virus này. Cảnh báo được đưa ra giữa lúc thế giới nâng cao cảnh giác với sự xuất hiện của Omicron, một biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tên khoa học là B.1.1.529 được phát hiện gần đây ở châu Phi. WHO ngày 26/11 chính thức xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”.
Sở dĩ, biến chủng Omicron gây lo ngại là bởi nó chứa số lượng đột biến “chưa từng thấy”. Theo kết quả giải trình tự gen, biến chủng này có khoảng 50 đột biến, trong đó 32 đột biến gắn trên protein gai, một cấu trúc giúp virus tăng độ bám dính và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Delta chỉ chứa khoảng 13 đến 17 đột biến trên protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.
Mặc dù hiện chưa có nhiều dữ liệu về Omicron, nhưng biến chủng này đã gây lo ngại toàn cầu, các nước có những phản ứng nhanh hơn so với khi Delta xuất hiện. Nhiều quốc gia đã thông báo hạn chế đi lại với một số nước châu Phi trong thời gian chờ có thêm dữ liệu khoa học.
Trong khi đó, giới chức Nam Phi cho rằng, các nước đang phản ứng thái quá với Omicron. Sputnik dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Angelique Coetzee nói: “Omicron chỉ gây các triệu chứng nhẹ như đau cơ và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày. Cho đến nay, chúng tôi nhận thấy, những người bị nhiễm không bị mất vị giác hoặc khứu giác. Họ có thể bị ho nhẹ và không triệu chứng nổi bật. Nhiều người bị nhiễm có thể điều trị tại nhà”.
Minh Ngọc
Theo: Cánh cò