Từ “nhà vô địch tiêm chủng”, đất nước này tụt xuống trở thành nơi có tỉ lệ phủ vaccine thấp nhất châu Âu.
“Thật tàn khốc, quá sức tàn khốc,” – y tá Claudiu Ionita cất tiếng nói kèm theo một tiếng thở dài. Trước mặt cô là một hàng dài băng-ca, xếp trước nhà xác bệnh viện ĐH Bucharest (Romania). Mỗi chiếc băng-ca có một chiếc túi màu đen, bên trong là những thi thể vô hồn.
Nhà xác này có sức chứa 15 thi thể, nhưng ngày hôm ấy, họ tiếp nhận 41 trường hợp. Không đủ chỗ, những xác chết được xếp đầy hành lang bên ngoài. Văng vẳng từ bên trong là tiếng khóc than, của một phụ nữ duy nhất thời điểm đó được đi vào nhìn cha mình lần cuối.
Bệnh viện ĐH Bucharest là cơ sở y tế lớn nhất tại thủ đô của Romania, nơi được dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đang khiến họ phải chật vật, trong khi điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa tới.
“Từ khi hành nghề, chưa lúc nào tôi nghĩ mình phải trải qua một thời khắc như vậy,” – Ionita nói tiếp. “Tôi không thể ngờ tình cảnh thảm họa này có thể xảy ra, không nghĩ rằng có ngày chúng tôi phải đưa cả một gia đình về nơi an nghỉ cuối cùng.”
Các tầng trên của bệnh viện nay cũng khác. Toàn bộ giường bệnh tại đây đã chuyển thành giường chăm sóc tích cực (ICU), và chỉ còn đúng 1 giường trống đang được một y tá thay ga. Chiếc giường ấy trống là bởi vì người từng nằm ở đó đã được chuyển xuống nhà xác.
Bi kịch của đất nước từng “tiêm chủng nhanh hàng đầu châu Âu
“Vào lúc này, Romania nằm trong số những nước châu Âu có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất. Chỉ 36% dân số nước này được tiêm chủng toàn bộ, bất chấp việc họ từng rất phấn khởi với tốc độ tiêm “hàng đầu châu Âu” có được vào tháng 12/2020.
Nhà chức trách lý giải tỉ lệ này bằng nhiều yếu tố, bao gồm sự nghi ngờ của công chúng, niềm tin sâu sắc vào tôn giáo, cùng cơn bão tin giả đang hoành hành trên mạng xã hội.
Khi Bác sĩ Alexandra Munteanu (32 tuổi) đến làm việc tại trung tâm tiêm chủng ở Bucharest sau ca làm việc ban đêm, cô nhận thấy lượng người xuất hiện là rất thấp. Cô cảm thấy khá bối rối, khi áp lực của dịch bệnh dường như không có chút giá trị với công chúng. “Các bác sĩ, cả tôi nữa, đang cố gắng tuyên truyền cho mọi người rằng căn bệnh này thực sự tồn tại,” – Munteanu chia sẻ.
Diana Sosoaca là một trong những người thuộc cộng đồng anti-vax có tầm ảnh hưởng nhất. Theo truyền thông ghi nhận, Sosoaca đã từng tổ chức ngăn chặn người đi tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng phía đông bắc đất nước.
“Nếu còn yêu thương con trẻ, đừng có tiêm chủng. Đừng giết chúng,” – trích trong một video do Sosoaca chia sẻ trên mạng xã hội.
Thời điểm hiện tại, các vaccine hiện hành ở Romania đã được kiểm tra cẩn thận để sử dụng trên trẻ em, và được chứng minh là đủ an toàn cũng như hiệu quả. Nhưng điều này là không đủ để ngăn Sosoaca cùng những người chung quan điểm với cô lan tỏa những tin đồn vô căn cứ trên truyền thông và mạng xã hội.
Nhà chức trách và nhân viên y tế Romania đang rất khó chịu, vì một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới công chúng như Sosoaca lại đang tìm cách phá hoại nỗ lực chống dịch của họ.
“Hãy nhìn vào thực tế đi,” – Đại tá Valeriu Gheorghita, một bác sĩ quân đội đang vận hành chiến dịch tiêm chủng toàn quốc cho biết. “Chúng tôi đang phải đối mặt với những khu ICU kín bệnh nhân. Chúng ta có rất nhiều ca nhiễm mới, và thật không may là hàng trăm người chết mỗi ngày. Đây là thực tế. Và 90% người chết là những người chưa tiêm chủng.”
Trước cửa bệnh viện Bucharest là một biểu ngữ lớn, che kín một phần tòa nhà. “Họ đang chết ngạt. Họ đang cầu xin. Họ đang hối hận,” – những dòng chữ in đậm, phía trên là những hình ảnh nhân viên y tế đang khổ sở chăm sóc bệnh nhân Covid trong khu ICU. Nhưng bên dưới, chỉ một số ít người nhìn vào nó, cũng chẳng mấy ai bận tâm. Chẳng bao lâu sau, tấm biểu ngữ đó sẽ được treo ở nhiều thành phố lớn nữa.
“Có sự thao túng ở đây. Một số người nhất định không tin vào vaccine,” – một người phụ nữ tên Claudia cho biết.
Neculai Miron – thị trưởng vùng Bosanci là một trong những người có tầm ảnh hưởng với công chúng nhưng thuộc cộng đồng anti-vax. “Chúng tôi không chống lại vaccine, nhưng chúng tôi cần xác nhận nó, giảm được lo âu. Chúng tôi không nghĩ vaccine này là an toàn.” Quan điểm của Miron là vậy, bất chấp các dữ liệu từ y tế hay truyền thông.
Dragos Croitoru – linh mục của một ngôi làng thuộc vùng Bosanci thậm chí còn không tin Covid-19 nguy hiểm, vì tại làng của ông vẫn chưa có ai chết. “Tôi chỉ tin vào những gì mắt thấy, chứ không phải tai nghe.”
“Chúng tôi vẫn chưa có ai chết cả. Có thể vài người mắc bệnh, nhưng người chết bằng 0.”
Có thể nói đó là điều may mắn cho ngôi làng của Croitoru, bởi ngôi làng này nằm ở vùng rất hẻo lánh. Tại những nơi khác, tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều. Như Suceava, nơi có tỉ lệ cao thứ 3 cả nước, chỉ cách Bosanci chưa đầy 10 phút lái xe. Một nghĩa trang ở đây đang có rất nhiều huyệt mộ mới đào, chuẩn bị làm tang lễ.
Trở lại với nhà xác bệnh viện ĐH Bucharest, một nhân viên y tế đang đóng đinh vào chiếc quan tài gỗ, trong lúc đồng nghiệp xịt khử khuẩn bên cạnh. Với một nạn nhân của Covid-19, sẽ không có đám tang được mở áo quan dành cho họ.
“Vaccine có ý nghĩa sống còn,” – Ionita khẩn khoản. “Mọi người phải hiểu điều đó, kể cả trong giờ phút cuối cùng.”
Và với nạn nhân đang nằm trong chiếc áo quan kia, mọi thứ đã là quá muộn rồi.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò