Friday, November 22, 2024

3 lý do khiến Trung Quốc không thể soán ngôi nền kinh tế Mỹ

Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng y tế mang tên Covid-19, khi Trung Quốc kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh và duy trì được đà tăng trưởng của mình trong năm 2020, thì tại Mỹ, hàng trăm ngàn người đã mất đi mạng sống của mình, và nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. Lúc đó, nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh Trung Quốc sẽ sớm vượt qua “đối trọng” lớn nhất của mình để trở thành nền kinh tế số một thế giới.

Tuy nhiên, gần đây, đà hồi phục mà ít người ngờ tới của Mỹ đã phần nào thay đổi quan điểm trước đó, và chúng ta hoàn toàn có thể thấy được sự tồn tại của quá nhiều các yếu tố bất ngờ, gây ảnh hưởng tới quá trình “chuyển giao quyền lực kinh tế” của thế giới, và thậm chí, việc Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu có thể sẽ khó trở thành hiện thực.

Nếu như ông Tập Cận Bình thành công trong công cuộc cải cách thúc đẩy tăng trưởng của mình, trong khi những đề xuất của ông Joe Biden liên quan tới quá trình cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng và gia tăng nguồn nhân lực không được thông qua, rất có thể, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới, vị trí mà Mỹ đã nắm giữ trong hơn một thế kỷ qua, vào năm 2031, theo dự báo của Bloomberg Economics.

Viễn cảnh tồi tệ nhất xảy ra đó chính là Trung Quốc sẽ đi vào vết xe đổ của Nhật Bản – một đối trọng kinh tế sừng sỏ một thời đối với Mỹ trước khi hụt hơi khoảng 3 thập kỷ trước. Thất bại trong công tác cải cách, sự “quay lưng” của nhiều quốc gia trên thế giới, và một cuộc khủng hoảng tài chính, cùng nhau có thể là những bức tường thành, chắn ngang con đường tham vọng vươn lên ngôi vị số một thế giới của Trung Quốc.

Xét về dài hạn, có 3 yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế. Đầu tiên đó là quy mô của lực lượng lao động. Thứ hai đó chính là dung lượng vốn, từ các nhà máy cho tới cơ sở hạ tầng giao thông và mạng lưới viễn thông. Cuối cùng đó chính là năng suất, hay còn gọi là mức độ hiệu quả của hai yếu tốt lên cộng lại.

Và trong mỗi tiêu chí, Trung Quốc đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Chúng ta hãy bắt đầu với lực lượng lao động. Bài toán ở đây là tương đối rõ ràng: lực lượng lao động đông đảo đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng cao và ngược lại. Đâu là thách thức của Trung Quốc- quốc gia đông dân nhất thế giới? Đó chính là tỷ lệ sinh thấp – di sản của chính sách một con áp dụng trong một khoảng thời gian dài- đồng nghĩa với việc số lượng người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh và đang dần “teo lại”. Nếu như tỷ lệ sinh duy trì ở mức thấp, lực lượng lao động của Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm tới 260 triệu người, tương đương với 28%, trong 3 thập kỷ tới.

Nhận thức sâu sắc tình hình, Trung Quốc đã có ít nhiều thay đổi. Các quy định kiểm soát tỷ lệ sinh đã được nới lỏng. Từ năm 2016, mức giới hạn sinh con trong mỗi gia đình được nâng lên 2 bé. Và trong năm nay, chính phủ một lần nữa nâng mức này lên con số 3. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cho phép tăng độ tuổi nghỉ hưu để giữ chân người lao động.

Và ngay cả khi những biện pháp trên phát huy được hiệu quả, sẽ vẫn rất khó cho Trung Quốc để có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề nhân khẩu học. Đó là còn chưa kể đến thực tế rằng, những bước đi trên hoàn toàn có thể thất bại. Quy định pháp luật không phải là yếu tố duy nhất kìm hãm các cặp vợ chồng sinh thêm con cái, mà đó còn là chi phí nhà ở và giáo dục đắt đỏ. “Lý do tôi không mua chiếc Rolls Royce không nằm ở việc chính quyền không cho phép tôi”, một người dân phản ứng lại với chính sách 3 con trên mạng xã hội tại Trung Quốc, theo ghi nhận của Bloomberg.

Triển vọng sử dụng vốn của Trung Quốc là không quá ảm đạm. Nhưng sau nhiều năm, nguồn vốn đầu tư tăng trưởng mạnh, đã xuất hiện không ít dấu hiệu cho thấy mức độ hiệu quả mà nguồn vốn đó mang lại không còn cao như trước nữa. Sự dư thừa công suất sản xuất công nghiệp, các thị trấn ma trơ trơ những tòa nhà không người ở, và những con đường cao tốc 6 làn xe len lỏi qua những vùng canh tác nông nghiệp thưa thớt nhà dân, tất cả cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về vấn đề trên.

Với việc lực lượng lao động đang dần thu nhỏ lại, và mức độ sử dụng vốn đã chạm đến mức giới hạn, năng suất chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới. Nâng cao năng suất đòi hỏi những biện pháp mạnh như bãi bỏ hệ thống hộ khẩu mang nhiều bất cập (vốn trói buộc người lao động với nơi họ sinh ra), tạo sân chơi công bằng giữa những doanh nghiệp quốc doanh lớn và các công ty tư nhân nhanh nhạy, và gỡ bỏ các hàng rào gia nhập thị trường tài chính và nền kinh tế đối với khối doanh nghiệp nước ngoài.

Ngày càng xuất hiện những “thành phố ma” tại Trung Quốc

Các nhà hoạch định chính sách công nghiệp của Trung Quốc chắc hẳn đã có những kế hoạch của riêng họ- và Trung Quốc cũng đã thành công trong nhiều cuộc cải cách thúc đẩy tăng trưởng thành công trong quá khứ. Với việc mức độ hiệu quả trong việc kết hợp vốn và lao động của Trung Quốc mới chỉ đạt 50% so với Mỹ, vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển dành cho nền kinh tế số 2 thế giới.

Liệu Trung Quốc có thể hoàn thành được mục tiêu đã đề ra – thúc đẩy tăng trưởng không nhờ vào lực lượng lao động đang ngày một thu nhỏ lại, mà thông qua sự sáng tạo và công nghệ hiện đại? Nhưng buồn thay cho Bắc Kinh, trái ngược với sự vui tươi trong những sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, không phải tất cả những yếu tố quyết định tăng trưởng trong tương lai của quốc gia này đều nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang có dấu hiệu đi xuống. Theo kết quả một cuộc khảo sát, có tới 76% người dân Mỹ được phỏng vấn có quan điểm không mấy tốt đẹp về Trung Quốc, và đây là một tỷ lệ cao chưa từng thấy.

Nếu mối quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ tiếp tục suy giảm, dòng chảy ý tưởng và sáng tạo xuyên biên giới, điều từng giúp sức rất lớn cho sự lớn mạnh của Trung Quốc, sẽ bắt đầu cạn kiệt. Bắc Kinh chắc hẳn đã nhận ra được điều đó. Châu Âu đang quay lưng với nền kinh tế số 2 thế giới trước một thỏa thuận đầu tư lớn, và Ấn Độ cũng đang thu hẹp cánh cửa đối với công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Một nghiên cứu tương đối công phu được thực hiện bởi các nhà kinh tế học tới từ

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho thấy trong trường hợp xấu nhất, với việc Mỹ và Trung Quốc phân tách thành hai cực đối lập của thế giới, GDP của Trung Quốc vào năm 2030 có thể sẽ sụt giảm tới 8%, so với trường hợp mối quan hệ này được duy trì ổn định.

Sự kết hợp của một chiến dịch cải cách trong nước đình trệ, sự “quay lưng” của nhiều quốc gia thậm chí có thể là nguồn cơn cho một hệ quả khó lường khác: một cuộc khủng hoảng tài chính.

Những ngày này, sự tương đồng đến kỳ lạ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến cho nhiều nhà kinh tế học bắt đầu phải suy ngẫm.

Cũng giống như Nhật Bản trong những năm 1990s, Trung Quốc đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ cao, tình trạng dân số già, mối quan hệ căng thẳng đối với Mỹ và thậm chí là một cuộc khủng hoảng tài chính đang chực chờ. Gần đây, bong bóng trên thị trường bất động sản của quốc gia này đã cho thấy không ít dấu hiệu cảnh báo và có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Bong bóng thị trường bất động sản tại Nhật Bản đã phình to trong những năm 1980s đến nỗi giá bất động sản hiện tại tại quốc gia này vẫn chưa thể hồi phục sau khi bong bóng vỡ.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đi vay nợ để đổi lại một tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm tới gần 30% tổng GDP của quốc gia này.

Vấn đề đã xuất hiện. Một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc- Evergrande – đang phải đối diện với nguy cơ mất khả năng thanh toán khoản nợ lên tới 300 tỷ USD. Đó là khối lượng nợ lớn nhất đối với một doanh nghiệp trên toàn cầu, chiếm khoảng 2% GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới. Bên cạnh Evergrande, còn rất nhiều những doanh nghiệp khác đang “ngập đầu” trong nợ.

Lực lượng an ninh ngăn người dân tràn vào trụ sở của công ty bất động sản Evergrande (Ảnh: Reuters).

Cuộc khủng hoảng tại Evergrande là hệ quả của chiến dịch giảm nợ và “tái cân bằng” lại nền kinh tế hướng tới tăng trưởng dựa trên sức mạnh tiêu dùng của chính phủ Trung Quốc.

Một số nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại khi quốc gia này thay đổi mô hình tăng trưởng. IMF dự báo Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2025, bằng một nửa so với 10% trong năm 2010. Atlantic Council thì lại cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ khoảng 3% tính đến giữa thập kỷ này. Những dự đoán này tương đối đồng nhất với thời điểm Nhật Bản lâm vào khủng hoảng trong những năm 1990s, nhưng đó chưa phải là tất cả.

Một nguyên nhân lớn dẫn tới khủng hoảng đối với nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 1990s đó chính là tình trạng già hóa dân số. Lực lượng lao động thấp sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chi phí hưu trí và phúc lợi gia tăng cũng góp phần gây ra áp lực chi tiêu công.

Dân số Trung Quốc đã chạm đỉnh vào năm 2015. Dân số khổng lồ của quốc gia này cho phép nền kinh tế tập trung người lao động về các thành phố lớn, tạo động lực cho quá trình bùng nổ sản xuất nông nghiệp tại đây. Nhưng Trung Quốc đã đạt được tỷ lệ đô thị hóa nhanh trong thập kỷ trước, và nguồn cung người lao động cho nền kinh tế của quốc gia này đang có sự sụt giảm cũng nhanh không kém.

Một điểm tương đồng khác giữa Trung Quốc hiện tại và Nhật Bản trong quá khứ đó chính là mối quan hệ với Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản đã diễn biến xấu đi trong những năm 1980 của thế kỷ trước, và mối quan hệ Mỹ-Trung ở thời điểm hiện tại thậm chí còn phức tạp hơn. Cựu thống thống Donald Trump đã khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện nhắm vào Trung Quốc trong năm 2018, khi xây dựng hàng rào thuế quan đánh vào khối lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc. Và chính quyền hiện tại của ông Joe Biden vẫn đi theo con đường đã vạch ra của người tiền nhiệm.

Các nhà kinh tế học lo lắng về sự phân tách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ vốn là tâm điểm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vòng một thập kỷ vừa qua.

Liệu Trung Quốc có đi vào vết xe đổ của Nhật Bản năm nào?

Xâu chuỗi các dữ kiện lại với nhau, Bloomberg Economics đã xây dựng lên một vài viễn cảnh có thể xảy ra đối với cuộc đua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Nếu như mọi chuyện diễn ra suôn sẻ đối với Trung Quốc, từ quá trình cải cách trong nước cho tới mối quan hệ quốc tế, quốc gia này hoàn toàn có thể so kè sòng phẳng với Mỹ trong thập kỷ tới, và sau đó hoàn toàn có thể vượt qua đối trọng của mình.

Ông Tập Cận Bình rất mong muốn thế giới nhìn nhận được khả năng thành công của Trung Quốc. Nếu như các chính trị gia, các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản lý quỹ đầu tư cảm thấy thuyết phục vào khả năng Trung Quốc sẽ vươn lên ngôi vị số một của Trung Quốc, họ sẽ “quan tâm” tới quốc gia này nhiều hơn, góp phần biến “lời tiên tri” của Bắc Kinh thành sự thật.

Và ông Tập Cận Bình cũng có cái lý riêng của mình. Dân số Trung Quốc cao gấp 4 lần Mỹ. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cũng chỉ ít hơn 20% so với “đại đối thủ”. Khoảng cách không phải quá lớn để có thể lấp đầy. Những thành công trong phát triển kinh tế của Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy đó không phải là một nhiệm vụ “bất khả thi”.

Nhưng lịch sử thăng trầm của Trung Quốc trong vài trăm năm qua cho thấy tăng trưởng không phải là điều có thể định đoạt trước. Trọng tâm của buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng tới những thành công trong suốt 40 năm qua của quốc gia này. Trong những thập kỷ đầu tiên nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc không giúp mang lại kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng cho quốc gia này. Và khi ông Tập loại bỏ đi những hạn chế liên quan tới nhiệm kỳ và chuẩn bị cho nhiệm kỳ Tổng bí thư lần thứ 3 của mình, nhiều người lo những vấn đề liên quan tới công tác lãnh đạo, giống như thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ quay trở lại.

Và nếu sự nghi ngờ bắt đầu nhen nhóm, một viễn cảnh khác có thể xảy ra. Công cuộc cải cách thất bại, mối quan hệ ngoại giao xấu đi, lực lượng lao động không được cải thiện và một cuộc khủng hoảng tài chính – tất cả những yếu tố trên có thể sẽ mãi mãi níu chân Trung Quốc ở vị trí thứ 2.

(Theo Bloomberg Economics)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG