Gần đây, mạng xã hội lan truyền video được cho là liên quan đến luật sư Ngô Anh Tuấn bị đẩy đuổi ra khỏi trụ sở công an một xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Dĩ nhiên, đây chỉ là một nửa câu chuyện, muốn biết sự thật phía sau cần có những thông tin đầy đủ hơn. Vậy nhưng một số kẻ lại lợi dụng điều này để rêu rao luận điệu “cảnh báo thực trạng xâm phạm nghiêm trọng quyền hành nghề luật sư”. Liệu chẳng luận điệu này khách quan, hay chỉ là một sự quy chụp vội vã?
Nghề luật sư luôn nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ của xã hội. Điều này cũng hiển nhiên bởi thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình, luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân. Nhờ có luật sư mà các quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức được bảo đảm. Đồng thời, hoạt động của luật sư cũng góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm sự dân chủ, công bằng, văn minh.
Liên quan đến vụ việc được cho là liên quan đến luật sư Ngô Anh Tuấn, những thông tin được đưa ra mới chỉ dừng lại ở tính chất một chiều. Theo những gì được đưa ra, vị luật sư này cùng thân chủ đi đến làm việc tại trụ sở công an một xã trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Do chưa đăng ký thủ tục bảo vệ quyền lợi cho thân chủ nên quá trình làm việc, cán bộ công an yêu cầu luật sư ra ngoài. Vậy nhưng vị luật sư này không đồng ý và sau đó dẫn đến một số mâu thuẫn. Kết quả, một người mặc trang phục công an xã bán chuyên trách có hành vi xô đẩy vị luật sư này ra khỏi cơ quan như hình ảnh trong video được lan truyền trên mạng.
Một số ý kiến, luận điệu phiến diện lại nhanh chóng được tung ra. Họ cho rằng đây là “một điểm nhấn điểm tô thêm cho thực trạng “sợ” sự có mặt của luật sư trong các vụ việc”. Có kẻ còn chụp mũ rằng Việt Nam hiện nay có tình trạng “xâm phạm nghiêm trọng quyền hành nghề của luật sư”. Từ đây, hàng loạt thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống cho rằng Việt Nam không có dân chủ đã được đưa ra.
Thứ nhất, không thể vội vàng quy chụp bản chất của sự việc nêu trên. Nội dung video được đưa ra chỉ có thời lượng 42 giây, chưa đủ để nói lên toàn bộ vấn đề. Nếu chỉ nhìn vào những gì trong video người ta dễ dàng kết luận vị luật sư là “nạn nhân”. Vậy nhưng “một bàn tay không làm nên tiếng vỗ”. Muốn kết luận vụ việc, chắc chắn cần phải xác minh thêm nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau.
Thứ hai, quyền hành nghề luật sư luôn được tôn trọng. Nước ta đã ban hành Luật Luật sư để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động của luật sư. Đồng thời, trong các luật chuyên ngành như Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính…, các nội dung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp của luật sư cũng đã được quy định. Nói như vậy để thấy Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền hành nghề của luật sư. Tuy nhiên, việc tham gia của luật sư vào quá trình giải quyết các vụ việc cần bảo đảm đúng quy trình, thủ tục được pháp luật quy định. Rõ ràng, không phải luật sư thích tham gia vào vụ việc nào thì tham gia, thích làm gì thì làm một cách vô tội vạ. Trong vụ việc được cho là liên quan đến luật sư Ngô Anh Tuấn ở trên, do nội dung vụ việc chưa được đưa ra đầy đủ nên để đánh giá luật sư đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục được pháp luật quy định hay chưa là điều không thể. Bởi vậy, việc kết luận ai đúng, ai sai cũng không thể tiến hành.
Thứ ba, luận điệu cho rằng tại Việt Nam quyền hành nghề luật sư bị xâm phạm nghiêm trọng là vô căn cứ. Luật sư là một nghề, thu nhập của luật sư đến từ hoạt động hành nghề luật sư. Như vậy, nếu quyền hành nghề luật sư bị xâm phạm nghiêm trọng thì chắc chắn họ sẽ không sống được bằng nghề. Và dĩ nhiên, hệ quả kéo theo là chẳng ai chọn làm nghề luật sư vì “không có thực” làm sao “vực được đạo”. Tuy nhiên thực tế, theo thống kê của Liên đoàn luật sự, tính đến cuối năm 2020, có 15.107 luật sư thành viên, tăng 1.248 luật sư so với năm 2019. Con số này là minh chứng cho thấy hoạt động luật sư tại Việt Nam vẫn diễn ra hết sức tích cực.
Cần có sự tỉnh táo để đánh giá vụ việc. Chúng ta không thể chỉ nghe một tai mà vội vàng kết luận, quy chụp, đổ lỗi cho bất kỳ ai. Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan để làm sáng tỏ bản chất, diễn biến, nguyên nhân của vụ việc liên quan đến luật sư Ngô Anh Tuấn ở trên. Nếu luật sư Tuấn bị đối xử thô bạo một cách phi lý thì những người sai phạm phải bị xử lý nghiêm khắc. Ngược lại, nếu luật sư Tuấn là người sai phạm thì cũng phải có chế tài tương ứng để giữ gìn sự trong sáng, công tâm của nghề luật sư.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ