Ngày 25/10, trang tin The Washington Post (TWP) có đăng bài báo nói về việc Facebook hợp tác với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đây là một sự việc hết sức bình thường, bởi khi kinh doanh ở Việt Nam thì các doanh nghiệp như Facebook phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp của Việt Nam. Thế nhưng ngay lập tức, BBC chộp lấy tin tức này, gọi Việt Nam là ‘độc tài”, kiểm duyệt bất đồng chính kiến.
Trong bài báo, TWP dùng cụm từ “Vietnam’s ruling Communist Party” nhưng BBC News Tiếng Việt lại sửa thành “Chính phủ độc tài của Việt Nam”. Chỉ riêng việc gọi tên đã cho thấy định kiến và quan điểm của BBC News Tiếng Việt là gì. Nguồn tin của TWP cho biết Facebook đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam để hạn chế nhiều nội dung sai sự thật, trái với quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ nhiều tài khoản vi phạm. Có thể thấy ngay chính bản thân Facebook cũng không phàn nàn gì về yêu cầu này, thể hiện qua phát biểu rằng họ “đảm bảo rằng các dịch vụ của chúng tôi vẫn hoạt động để mọi người có thể tiếp tục thể hiện bản thân” và chỉ gỡ bỏ nội dung vi phạm chính sách công ty. Tuy nhiên BBC News Tiếng Việt thì vẫn khăng khăng cho rằng Facebook “phục tùng chính quyền Việt Nam để kiểm duyệt các tiếng nói bất đồng trong khi cho phép đăng các lời lẽ kích động thù địch trên toàn thế giới”.
Có lẽ cần nhắc cho BBC News Tiếng Việt nhớ về sự kiện ngày 6/1/2021 sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi những người ủng hộ ông tụ họp trước Quốc hội để “giúp những người Cộng hòa yếu kém” thách thức kết quả bầu cử tổng thống. Một đám đông đã bao vây Điện Capitol, xông vào tòa nhà và làm gián đoạn một phiên họp của Quốc hội, thậm chí dọa giết nhiều nghị viên, thành viên chính phủ như Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Quốc hội Nancy Pelosi. Sau khi vụ việc xảy ra, các mạng xã hội Facebook và Twitter đã khóa tài khoản của ông Trump cùng nhiều người ủng hộ khác với lý do “nguy cơ kích động bạo lực”. Vậy thì có gì sai khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu các mạng xã hội hợp tác để ngăn chặn các hành vi tương tự? Có lẽ điều này xuất phát từ quan điểm chỉ có “bạo lực” tại Mỹ mới đáng được quan tâm, còn của nước khác thì không quan trọng?
Có thể thấy rằng Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền được thông tin của người dân. Đây là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng, bởi đây là một trong những quyền cơ bản của con người. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của người dân, trong đó có những luật, nghị định như: Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”…
Tất cả những văn bản luật ấy tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân có thể sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vào việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin. Trước sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng điện tử, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng, tất yếu. Luật An ninh mạng đảm bảo rằng các hoạt động trong không gian mạng không gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, Luật An ninh mạng cũng áp dụng cho các tổ chức ở nước ngoài, có người dùng cư trú tại Việt Nam như Google hoặc Facebook. Vì vậy, các trang mạng xã hội này khi kinh doanh tại Việt Nam phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật nước sở tại, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ