Thông tin dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ được bàn giao và đưa vào vận hành được hàng triệu người dân Việt Nam quan tâm. Một dự án xây dựng đầy khó khăn nhưng thành quả lại vô cùng ngọt ngào.
Không còn là con “mãng xà” khổng lồ án ngữ trên bầu trời Hà Nội, không còn là dự án “hứa và hẹn”, chỉ còn vài ngày nữa thôi, dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ chính thức được bàn giao. Đây là thông tin được nhiều người dân mong chờ nhất trong nhiều năm tháng qua bởi khi tuyến đường sắt này được vận hành sẽ giải quyết nhu cầu di chuyển cho rất nhiều người dân TP. Hà Nội. Người dân sẽ có cơ hội di chuyển từ ngoại ô thành phố vào các quận trung tâm chỉ mất 10-15 phút/chuyến, không phải than ngắn thở dài chờ đợi. Quan trọng hơn là góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, giảm ùn tắc và hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại.
Có biết bao nhiêu người khi nhìn những tuyến đường sắt chạy bằng điện hoành tráng ở Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… hay ngay trong khu vực Đông Nam Á là Singapore thì đều có một giấc mơ đẹp rằng Việt Nam sẽ có một “mạch máu” đô thị. Con người thì phải luôn hướng về phía trước, nếu có nhìn về quá khứ cũng chỉ nên nhìn để lấy động lực mà tiến lên. Bỏ qua những hạn chế thì ngày người Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ đã đến gần. Dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sở hữu những ưu điểm nổi bật. Dự kiến, năng suất của dự án sẽ tăng rất cao, đạt mốc 60.000 hành khách/giờ. Trong khi đó, xe buýt chỉ đạt 6.000 hành khách/giờ, năng suất chỉ bằng 1/10 so với tàu điện. Thứ hai, tàu điện trên cao có tốc độ rất lớn, tối đa có thể đạt được 80 km/h. Bình quân vận tốc của tàu điện là 35km/h, trong khi đó, bình quân tốc độ của xe buýt chỉ đạt 15km/h. Thứ ba, tàu điện là loại phương tiện đảm bảo giảm ô nhiễm môi trường và tạo nên sự tiện nghi cũng như an toàn tốt nhất cho người đi lại. Đặc biệt, đây còn là dự án đường sắt đầu tiên trên cao của Việt Nam, nó đánh dấu một bước tiến mới cho ngành đường sắt Việt Nam, tạo ra sự đột phá phát triển kinh tế-xã hội. Dù trước đó có những thông tin tiêu cực về đội vốn, kỹ thuật xây dựng,… nhưng đến thời điểm này, chúng ta cần chúc mừng cho dự án được đi vào sử dụng và được cam kết đáp ứng được các tiêu chuẩn thiết kế, quy định quản lý chất lượng hiện hành.
Giờ đây, nhìn ngắm những toa tàu mới tinh, đường ray hoàn thiện, chúng ta phấn khởi nhưng cũng không quên cảm ơn sự cố gắng của những bộ, ban, ngành trong thời gian gần đây, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vào tháng 7, đó là thời điểm đất nước đang phải cật lực chống dịch nhưng trong buổi làm việc với TP. Hà Nội thì Thủ tướng vẫn không quên yêu cầu hoàn thành dứt điểm đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong thời gian sớm nhất.
Mệnh lệnh của Thủ tướng ngay lập tức được chính quyền Hà Nội và các bộ, ban, ngành tiếp thu và thực thi khẩn trương hơn bao giờ hết. Đơn cử là Bộ Giao thông – Vận tải gấp rút làm báo cáo gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng về việc đưa vào vận hành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng đã nhanh chóng tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian bảo hành công trình.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Ai cũng biết dự án Cát Linh – Hà Đông gặp nhiều khó khăn về vốn, trước tình hình này, Bộ Tài chính đã nhanh chóng cân đối ngân sách và giải ngân kịp thời để đảm bảo tiến độ thi công. Còn Bộ Xây dựng cũng cho thấy vai trò của mình ở khâu thẩm định. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã tổ chức cuộc họp để kiểm tra, đánh giá báo cáo trước khi chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu. Bằng một ý chí kiên quyết, bằng một thái độ lập trường kiên định, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính và Bộ Xây dưng đã phối hợp với chính quyền Hà Nội hoàn tất dự án Cát Linh – Hà Đông.
Có thể ví von dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là mạch máu của giao thông TP. Hà Nội, qúa trình tắc nghẽn cho đến ngày khơi thông đúng là không dễ dàng nhưng hãy quên điều đó đi. Sắp tới, người dân TP. Hà Nội sẽ có một tuyến đường sắt tốt và hiện đại. Tin chắc rằng, với sự tiện lợi và khả năng kết nối cao, người dân TP. Hà Nội rồi sẽ lựa chọn tham gia di chuyển bằng phương tiện này.
Đặng Trường
Theo: Hội Cờ đỏ