Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng không khoan nhượng với nhiều vụ án bị đưa ra ánh sáng, trong đó có cả những vụ án trong lĩnh vực y tế. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến về việc phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngay lập tức, những phát biểu này đã bị Chân Trời Mới Media cắt dán lại để cho rằng công tác phòng chống tham nhũng chỉ là “rung chà dọa khỉ”.
Trình bày báo cáo thẩm tra công tác của Chính phủ và hoạt động tư pháp nói chung, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đồng tình với các đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế. Trong đó báo cáo dẫn ra các vi phạm vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng chủ yếu là xử lý hành chính, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả hàng nhái nhất là trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế…Tiếp đến là tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm ma túy…
Phần tiếp theo, Ủy ban Tư pháp cho biết cùng với các loại tội phạm tham nhũng “truyền thống”, thì hiện đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Và cụ thể là Báo cáo thẩm tra dẫn chứng nhiều vụ việc như hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước… Tình trạng làm giả giấy nhận diện QR Code để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương.
Vậy mà mới đây, trang mạng chống phá Chân Trời Mới Media đã lươn lẹo đưa nội dung “buôn bán hàng giả hàng nhái nhất là trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19” vào bài viết để minh họa cho cái gọi là “tham nhũng chính sách y tế”. Trang này còn vu vạ cho việc xét nghiệm nhanh Covid-19 là “biểu hiện của tham nhũng chính sách” qua việc giá thành xét nghiệm nhanh mỗi nơi một kiểu mà báo chí đã phản ánh và Bộ Y tế cũng đã lên tiếng giải trình. Cần biết, xét nghiệm nhanh là chủ trương đúng đắn phục vụ cho công tác truy vết chống dịch, việc yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh cần xét nghiệm là để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nếu có ca nhiễm. Chính sách truy vết này đã góp phần đưa Việt Nam chống dịch thành công trong suốt một thời gian dài với rất ít ca nhiễm, và ngay cả khi phải gánh chịu làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP.HCM và các tỉnh lân cân thì thiệt hại cũng đã được giảm thiểu. Chỉ cần Chân Trời Mới Media chịu khó đọc báo tìm hiểu thôi thì họ cũng đã biết thời gian qua vấn nạn tham nhũng đã xử lý mạnh tay như thế nào.
Cuối năm 2020, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội. Các bị cáo được xác định đã lợi dụng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, thông đồng nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 lên 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Nhiều bị cáo đã phải chịu án tù, dù có nhiều năm công tác và thành tích. Tháng 4/2021, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là Nguyễn Quốc Anh và 7 bị can khác về tội”Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, hành vi của nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng dàn lãnh đạo Công ty BMS và đơn vị thẩm định giá đã dẫn đến hậu quả là làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng và gây bức xúc trong dư luận.Và gần đây nhất, ngay trong thời điểm cao trào của dịch bênh, giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai là ông Nguyễn Quang Tuấn, một bác sỹ xuất sắc trong lĩnh vực tim mạch, đã bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về “thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội – nơi trước đó ông Tuấn cũng làm giám đốc. Đây là những tài năng xuất sắc, những nhà quản lý lâu năm nhiều kinh nghiệm nhưng khi phát hiện sai phạm thì vẫn bị kiên quyết xử lý. Không thể nói đây chỉ là “rung chà dọa khỉ”.
Liên quan đến giá của mặt hàng test xét nghiệm SARS-CoV-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã cho biết điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiêu chuẩn, xuất xứ, nguồn cung và số lượng mua sắm. Bộ Y tế cũng khẳng định chưa mua kit test nhanh. Các địa phương hiện chủ yếu sử dụng kit test do các đơn vị tài trợ, kể cả Bộ Y tế. Có lẽ Chân Trời Mới Media chủ yếu muốn xoáy sâu vào các yêu cầu giấy xác nhận test nhanh âm tính của các địa phương, trang này còn dẫn lời phỏng vấn của giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam để đổ cho rằng test nhanh làm thiệt hại kinh tế cho người dân. Có lẽ muốn dẫn chứng chuyên gia Mỹ thì Chân Trời Mới Media nên tiện thể so sánh tình hình dịch bệnh hiện tại ở Mỹ và Việt Nam, số ca nhiễm và số ca tử vong là bao nhiêu. Chính sách chống dịch của Việt Nam hướng về con người, nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe sinh mạng của người dân, và chúng ta không chấp nhận mạo hiểm với dịch bệnh. Vì thế, test nhanh, truy vết dập dịch là cần thiết. Khi cả xã hội phải chấp nhận ở nhà khi giãn cách, thì những người muốn ra đường phải có xác nhận test nhanh, để bảo đảm không lây lan cho cộng đồng, đó là điều dễ hiểu.
Có vẻ những kẻ như Chân Trời Mới Media không muốn biết và không muốn hiểu tình hình thực tế, chỉ võ đoán cắt ghép rồi suy diễn bậy bạ mà thôi.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ