Ngày 5/10, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ công bố số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này đang có, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump chỉ đạo dừng việc công bố dữ liệu này vào 4 năm trước.
Tính đến ngày 30/9/2020, quân đội Mỹ duy trì 3.750 đầu đạn hạt nhân kích hoạt và chưa kích hoạt, giảm 55 đầu đạn so với trước đó 1 năm và 72 đầu đạn so với năm 2017.
Đây là số lượng đầu đạn hạt nhân thấp nhất trong kho hạt nhân Mỹ so với giai đoạn cao điểm Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, với khoảng 31.255 đầu đạn vào năm 1965.
Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố số lượng đầu đạn hạt nhân sở hữu nằm trong nỗ lực tái khởi động đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga, vốn bị đình trệ dưới thời người tiền nhiệm.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định “tăng cường minh bạch kho vũ khí hạt nhân có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chống phổ biến và giải giáp vũ khí hạt nhân”.
Không chỉ rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, năm 2020, cựu Tổng thống Trump còn rút Washington khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Moscow, trước khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 5/2 năm nay.
Thỏa thuận New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà Washington và Moscow sở hữu hoặc có thể triển khai ở mức 1.550 đầu đạn.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã đề xuất gia hạn New START thêm 5 năm và được phía Nga nhanh chóng chấp thuận.
Tuần trước, các nhà ngoại giao hai nước cũng đã nhóm họp kín ở Geneva, Thụy Sỹ, để thảo luận về một hiệp ước thay thế cho New START và kiểm soát cả vũ khí quy ước. Phía Mỹ khẳng định cuộc đàm phán này là “hữu ích”.
(Theo AFP)
Theo: Cánh cò