Hôm 29/9, Mỹ và EU nhất trí hợp tác xuyên Đại Tây Dương nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Hợp tác này được xem là “chốt chặn” đối với các hoạt động thương mại phi thị trường của Trung Quốc.
Tại cuộc họp Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ – EU, các quan chức cấp cao của Mỹ và EU cam kết hợp tác sàng lọc các khoản đầu tư vào kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuyên bố không đề cập đến Trung Quốc song cho biết: “Chúng tôi sát cánh cùng nhau trong việc tiếp tục bảo vệ các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động khỏi các hành vi thương mại không công bằng, đặc biệt là những hành vi do các nền kinh tế phi thị trường gây ra, đang phá hoại hệ thống thương mại thế giới”.
Tuyên bố chung Mỹ và EU cũng nhất trí tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn, ban đầu tập trung vào việc nới lỏng các nút thắt nguồn cung cấp ngắn hạn, sau đó là xác định các lỗ hổng dài hạn và “củng cố hệ sinh thái bán dẫn trong nước, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, nhằm cải thiện khả năng phục hồi”.
Hai bên cũng cho biết sẽ làm việc để tránh một cuộc chạy đua trợ cấp nhằm thu hút các khoản đầu tư vào chip và tìm kiếm “các ưu đãi phù hợp”.
Bên cạnh đó, Mỹ và EU cũng nhấn mạnh đến việc “cam kết hợp tác xuyên Đại Tây Dương liên quan đến các chính sách nền tảng tập trung vào thông tin sai lệch, an toàn sản phẩm, sản phẩm giả mạo và nội dung có hại khác”.
Hội đồng công nghệ và thương mại mới đã thành lập 10 nhóm làm việc để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này, cũng như trong các vấn đề khí hậu và công nghệ sạch, an ninh công nghệ truyền thông…
Theo các quan chức EU, cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ – EU có thể sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2022 tại châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên mức thuế do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Biden đã tìm cách tạo sự khác biệt bằng cách hợp tác nhiều hơn với các đồng minh trong đối phó với Bắc Kinh trên các mặt trận.
Mai Anh (Theo Reuters)
Theo: Cánh cò