Ngày 20-9, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết 109 về việc mua vắc xin phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba (CIGB) sản xuất.
Chỉ vài ngày sau khi Cuba cho biết vắc xin Abdala đạt hiệu quả 92,28% trong ngừa COVID-19 có triệu chứng, Venezuela là quốc gia đầu tiên tiếp nhận vắc xin này. Cuba lên kế hoạch sản xuất 100 triệu liều vắc xin Abdala năm nay.
Nghị quyết chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin, chấp nhận giao hàng không đúng tiến độ nêu trong hợp đồng. Chính phủ yêu cầu phải tiếp nhận đủ 10 triệu liều vắc xin, kể cả trong trường hợp Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba giao hàng chậm, đồng thời chấp nhận thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng.
Vắc xin Abdala phải tiêm 3 mũi
Trước hết, Abdala là vắc xin có liệu trình tiêm 3 mũi, nhiều hơn hầu hết các loại vắc xin COVID-19 trên thế giới hiện nay, với khoảng cách giữa các mũi là 14 ngày. Đây là một trong 5 ứng viên vắc xin COVID-19 được thử nghiệm tại Cuba thời gian qua.
Vào ngày 21-6 năm nay, Cuba cho biết vắc xin Abdala đạt hiệu quả 92,28% trong ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin Abdala bắt đầu vào ngày 22-3-2021, tại các tỉnh phía đông của Cuba là Santiago de Cuba, Guantánamo và Granma, với sự tham gia của 48.290 tình nguyện viên.
Thông tin trên đã đưa Abdala gia nhập vào nhóm các vắc xin COVID-19 có hiệu quả cao nhất thế giới lúc đó, bên cạnh Pfizer-BioNTech (95%), Moderna (94,1%) và Sputnik V (91,6%), theo báo New York Times.
Cũng trong tháng 6, chỉ vài ngày sau khi Cuba công bố vắc xin Abdala đạt hiệu quả 92,28%, Venezuela đã tiếp nhận lô vắc xin Abdala đầu tiên. Venezuela đã ký hợp đồng mua 12 triệu liều vắc xin này, là quốc gia đầu tiên tiếp nhận vắc xin Abdala từ Cuba và cũng là nước đầu tiên (bên ngoài Cuba) đưa vắc xin Abdala vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Đến ngày 9-7, Cuba cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Abdala tại nước này.
Cuba là quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe phát triển thành công vắc xin COVID-19. Cuba lên kế hoạch sản xuất 100 triệu liều vắc xin Abdala trong năm 2021.
Nộp đơn xin WHO cấp phép
Theo Hãng tin AFP, hôm 15-9, Cuba cho biết sẽ xin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép cho 2 loại vắc xin COVID-19 tự phát triển mà Cuba hi vọng sẽ được thương mại hóa rộng rãi. Đó là vắc xin Abdala và Soberana 2 – hai loại vắc xin ngừa COVID-19 mà các nhà khoa học Cuba cho biết đều có hiệu quả trên 90% trong ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng.
Ông Rolando Perez Rodriguez, giám đốc nghiên cứu và phát triển thuộc Tập đoàn dược phẩm sinh học Cuba (BioCubaFarma), cho biết các chuyên gia WHO sẽ bắt đầu quá trình đánh giá “tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch (khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch) và hiệu quả của vắc xin”.
Chia sẻ với Hãng tin AFP, ông Jose Moya, đại diện của WHO tại Cuba, cũng cho biết các chuyên gia ở Havana, Geneva và Washington có “một cuộc họp trực tuyến đầu tiên” hôm 16-9.
Hiện nay Cuba đang sử dụng vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước cho chiến dịch tiêm chủng của nước này, gồm tiêm cho trẻ em.
Các vắc xin này được bào chế dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp – công nghệ tương tự được sử dụng bởi vắc xin Novavax của Mỹ và Sanofi của Pháp. Không giống nhiều loại vắc xin COVID-19 khác đang được sử dụng, vắc xin dùng công nghệ protein tái tổ hợp không yêu cầu nhiệt độ bảo quản quá thấp.
Cuba có truyền thống lâu đời trong việc tự bào chế vắc xin, từ những năm 1980. Ông Perez cho biết khả năng bán vắc xin của Cuba cho các nước khác không phụ thuộc vào sự phê duyệt của WHO, vì đây là quyết định của cơ quan y tế các quốc gia.
Một số quốc gia bao gồm Argentina và Mexico đã bày tỏ quan tâm đến việc mua vắc xin Abdala của Cuba. Venezuela đã ký hợp đồng mua vắc xin Abdala, trong khi Iran đang sản xuất vắc xin Soberana 2 của Cuba.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò