Qua việc công bố thỏa thuận AUKUS nhằm đối phó với Trung Quốc, liên minh Mỹ – Anh – Australia đã tước đi của Pháp dự án cung cấp 12 tàu ngầm cho Canberra trị giá 90 tỷ USD.
AUKUS: LIÊN MINH TAY BA LỊCH SỬ
Đúng 17:00 ngày 15/9 (tức 04:00 sáng nay, ngày 16/9 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Anh Boris Johnson đã cùng tổ chức cuộc họp trực tuyến ba bên để đưa ra một thông báo có tầm quan trọng đặc biệt với cả 3 quốc gia đồng minh.
Theo đó, trong khuôn khổ của thỏa thuận giữa ba nước đồng minh có tên là AUKUS, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia triển khai chương trình chế tạo hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các tàu ngầm này chỉ sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó với những mối đe dọa tương lai nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân chiến lược.
Một số chuyên gia quốc tế cho rằng, đây là động thái sẽ có tác động vô cùng to lớn đến tình hình an ninh – chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nhiều năm tới.
Thủ tướng Australia Morrison cho biết, các tàu ngầm sẽ được đóng ở Adelaide (Australia) dưới sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Anh, đồng thời nhấn mạnh, Canberra sẽ tiếp tục tuân thủ các hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Johnson gọi thỏa thuận nâng cấp hạm đội tàu ngầm Australia là “một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao bậc nhất trên thế giới” và các bên sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc về vấn đề này trong 18 tháng tới.
Hiện nay trên thế giới mới chỉ có 6 nước là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga là đang vận hành các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Giới chức Mỹ khẳng định, việc trang bị động cơ đẩy hạt nhân sẽ giúp các tàu ngầm hải quân Australia hoạt động yên tĩnh hơn, trong thời gian lâu hơn và tạo ra khả năng răn đe đáng kể tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
TRUNG QUỐC KHIẾN PHÁP “MẤT TRẮNG” 90 TỶ USD
Hãng thông tấn AFP bình luận, mặc dù cả 3 nguyên thủ quốc gia đều không trực tiếp đề cập đến tên Trung Quốc khi công bố AUKUS nhưng ý định và mục tiêu mà họ nhắm đến là rất rõ ràng.
Mối quan hệ giữa Australia với Trung Quốc ngày càng chứng kiến nhiều diễn biến căng thẳng trong những năm gần đây khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đối với nhiều hàng hóa khác nhau của Canberra nhằm đáp trả việc Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Vì vậy, chuyên gia Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho rằng, các tàu ngầm mới được đề xuất sẽ là những gì Australia cần để “răn đe và đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Quân đội Trung Quốc”.
Trước đây, Australia đã ký một hợp đồng trị giá 90 tỷ USD với Tập đoàn Naval Group của Pháp để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện tiên tiến nhưng tỏ ra thất vọng khi hãng này không đầu tư đầy đủ cho các nhà cung cấp địa phương.
Khi Mỹ và Anh đồng ý giúp Australia phát triển chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng có nghĩa là dự án với Pháp sẽ bị “khai tử”.
Theo giới quan sát, Trung Quốc chắc chắn sẽ là nước giận giữ nhất sau thỏa thuận Mỹ – Anh – Australia nhưng quốc gia thất vọng nhất lại chính là Pháp.
Trong tuyên bố đưa ra ngay sau cuộc họp ba bên Mỹ – Anh – Australia, Tập đoàn Hải quân của Pháp cho biết họ rất thất vọng khi chính phủ ở Canberra đã quyết định loại bỏ dự án.
“Trong suốt 5 năm, các nhóm làm việc của Naval Group, cả ở Pháp và Australia, cũng như các đối tác của chúng tôi, đã nỗ lực hết sức và Naval Group đã thực hiện tất cả các cam kết của mình”.
“Đây là một nỗi thất vọng rất lớn đối với Naval Group vì công ty đang cung cấp cho Australia một loại tàu ngầm thông thường với những tính năng vượt trội trong khu vực”.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng quyết định này rõ ràng là “một sự phản bội” cam kết và tinh thần hợp tác giữa hai nước.
“Lựa chọn của Mỹ dẫn đến việc loại bỏ một đồng minh và một đối tác châu Âu như Pháp khỏi cấu trúc an ninh với Australia vào thời điểm chúng tôi đang đối mặt với những thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương … là rất đáng tiếc”, ông Drian cho biết.
Về phần mình, Thủ tướng Morrison cam kết Pháp vẫn là một đối tác quan trọng của nước này ở Thái Bình Dương nhưng ông buộc phải đưa ra quyết định vì những lợi ích an ninh quốc gia tốt nhất cho Australia.
Anh Tú
Theo: Cánh cò