Thật nực cười khi nghe các luận điểm quy chụp rằng quân đội là một bộ máy cồng kềnh, “vô công rồi nghề”, “không có đóng góp nào tương xứng và đáng kể” cho sự phát triển của đất nước trong thời bình. Để làm sáng tỏ điều này, cùng với những hy sinh và công sức của bộ đội đã được khắc họa ở những bài viết trước, bài viết này sẽ làm rõ thêm những thành tựu mới, chiến công thầm lặng trong hoạt động quân sự, mang đến một cách nhìn đúng đắn cho cộng đồng xã hội về Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Gần 22 giờ, ở thôn Đak Ơ Nglăng, xã Đăk Tờ Re (Kon Rẫy, Kon Tum), đất trời yên ắng đến lạ. Ngồi trước ngọn lửa bập bùng, già A Gôm, 65 tuổi, đưa ánh mắt sáng quắc, giọng ấm rền đầy niềm tin: “Giờ đây đời sống đồng bào Tây Nguyên đã tốt hơn trước rất nhiều. Người dân không còn sống theo kiểu săn bắn, hái lượm, tự sản, tự tiêu. Bây giờ cái bụng đã no hơn, cái đầu thêm sáng ra! Đúng là giá trị của hòa bình như ngày nay thật đáng quý vô ngần”.
Ý của già A Gôm là nói về cuộc sống yên ả, thanh bình trên mảnh đất mà ông cả đời gắn bó. Không còn những năm tháng, đồng bào vì thiếu kiến thức, vì đói nghèo mà nghe theo sự chèo kéo, lừa lọc của bọn phản động FULRO, vô hình trung gây mất ổn định an ninh chính trị địa bàn. Đã có người phải trả giá đắt sau những cuộc vượt biên mơ tưởng cuộc sống hão huyền ở xứ người. “Có được cái ăn, cái mặc và cuộc sống đủ đầy ở Đak Ơ Nglăng và nhiều miền quê khác là nhờ công lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó có đóng góp rất lớn của Bộ đội Cụ Hồ trong suốt mấy chục năm qua”, lời của già A Gôm nói chắc như đinh đóng cột.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thuận tăng cường tuần tra đêm ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh: THÁI ĐĂNG
Quả đúng như vậy, hòa bình luôn có cái giá của nó, sự bình yên cũng không phải mặc nhiên có được. Dù đất nước hòa bình nhưng các thế lực thù địch vẫn luôn chống phá hòng gây mất ổn định chính trị; chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải luôn có nguy cơ bị xâm phạm. Các vụ việc liên quan đến biểu tình mang màu sắc chính trị ở Tây Nguyên các năm 2001, 2004, 2008; xúi giục tụ tập đông người, gây mất trật tự, an ninh năm 2018 diễn ra ở gần 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và đặc biệt nghiêm trọng là ở Bình Thuận. Rồi các cuộc lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Công giáo ở một số nơi trong thời gian qua nhằm chống đối cấp ủy, chính quyền địa phương, mưu đồ cát cứ… minh chứng rõ ràng cho nhận định đó. Với chức năng, nhiệm vụ của một đội quân cách mạng, quân đội đã có những đóng góp to lớn trong giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, làm thất bại mọi mưu đồ xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, tạo tiền đề cho sự nghiệp kiến thiết, phát triển, nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Để giữ vững độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, chúng ta phải đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, việc nắm, phân tích tình hình để tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các quyết sách nhằm xử lý hiệu quả các vấn đề có tính chiến lược về chủ quyền, lợi ích quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các lực lượng chức năng trong quân đội. Để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt đó, có nhiều lực lượng hoạt động thầm lặng, chiến công của họ cũng thầm lặng, thậm chí họ hy sinh cũng có thể thầm lặng. Đó chính là sự cống hiến vô bờ mà những người nông cạn thường khó hình dung.
2. Không bao giờ có chuyện những người lính Cụ Hồ đang “vô công rồi nghề” như cách nói của một số kẻ non kém về nhận thức hoặc mang dã tâm đen tối. Nói trong phạm vi hẹp, chẳng hạn muốn giữ vững chủ quyền trên không thì ở khắp các địa bàn luôn có hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ ngày đêm thay nhau canh trực 24/24 giờ bên kính tiềm vọng, trên đài radar… bảo đảm nắm chắc từng mục tiêu, tuyệt đối không để sót, lọt, không để Tổ quốc bị bất ngờ. Cùng với lực lượng ấy là những đơn vị hỏa lực phòng không, không quân luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao ở tất cả các tầm, hướng. Thế nên đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ phải đổ mồ hôi, xương máu khi tham gia huấn luyện, diễn tập các phương án tác chiến, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, bảo vệ sự thanh bình của đất nước.
Trên hướng biển của đất nước luôn có nhiều “dông bão”, tiềm ẩn các nguy cơ khó lường. Thế nên nhiệm vụ và sứ mệnh giữ gìn biển, đảo của Bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác chưa bao giờ là nhẹ nhàng. Từ những hòn đảo tít khơi xa hay ở những nhà giàn DK chênh vênh nơi đầu sóng, những người lính đã vượt qua mọi nỗi cô đơn và nguy hiểm rình rập, bỏ qua mọi sự so đo hơn thiệt để ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Và rồi bạn hãy nghĩ về những bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh có thể cướp đi sự sống của người dân bất kể lúc nào và hãy khắc ghi sự đóng góp của những người lính công binh đang ngày đêm đối mặt với tử thần để trả lại màu xanh cho đất. Rồi hãy nhìn vào nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để thấy sự nguy hại đáng sợ của vũ khí hóa học mà kẻ đi xâm lược đã nhẫn tâm gieo rắc lên lãnh thổ Việt Nam, để thấm ngấm đầy đủ hơn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị hóa học đang ngày đêm đối diện với thứ kẻ thù vô hình để xua đi hiểm họa, lấy lại những điều kiện sống an toàn, cần thiết cho nhân dân…
3. Còn nhiều việc nữa, nhiều lực lượng, bộ phận khác nữa trong biên chế Quân đội ta đang hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ hoàn toàn không phải là lực lượng thừa thãi mà lúc nào cũng cần kíp, trọng yếu, giữ vị trí quan trọng để hợp nên sức mạnh quân binh chủng trong tác chiến; kết nên sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, khởi tạo thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng 3 thứ quân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết nối sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Cần phải nói rõ hơn về trí tuệ của người lính Cụ Hồ đóng góp vào cấu hình môi trường sống hiện hữu. Đó là một môi trường hòa bình bền vững, sẵn sàng và có thể ứng phó thắng lợi mọi tình huống. Thông thường thì chúng ta nhận thức về một con đường, một cây cầu, một công trình dân sinh… chỉ biết nó có tác dụng bảo đảm chức năng giao thông hay phục vụ hoạt động dân sinh, kết nối giữa các vùng miền, phục vụ thông thương hàng hóa. Thế nhưng, nhìn trong chiến lược quy hoạch và chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân thì đó chính là những yếu tố tạo nên sự hoàn chỉnh của thế trận quân sự, thế trận phòng thủ của mỗi địa phương và trong toàn quốc. Khi có tình huống xảy ra, những công trình ấy sẽ trở thành kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ chiến tranh. Những giá trị ấy, bình thường ít người để ý, nhưng nó là thành quả của trí tuệ Việt Nam, là sản phẩm của nền quốc phòng toàn dân, do người lính Cụ Hồ làm tham mưu.
Vậy nên, nếu không phải là những người trong cuộc, cũng không phải là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, hay chưa đủ kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực đặc thù ấy, sẽ thật khó nhận thức toàn diện, đầy đủ về sự đóng góp to lớn, những chiến công thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ không hề “vô công rồi nghề” như cách hiểu, cách nói của những người thiếu hiểu biết. Trong lòng những người này lúc nào cũng mang hiềm khích, thù hận, khiến cho cái nhìn của họ từ trắng thành đen, từ tốt thành xấu, xã hội toàn “màu xám”…
Thay lời kết: LUÔN XỨNG ĐÁNG VỚI DANH HIỆU CAO QUÝ
Đã rất nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ sự khen ngợi, ghi nhận những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thời bình và khẳng định: Cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn xứng đáng với danh hiệu thiêng liêng cao quý-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Chính những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ toàn quân; chính sức mạnh, uy tín, vị trí của Quân đội nhân dân Việt Nam là cơ sở xác lập, tạo điểm tựa niềm tin vững chắc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu cách mạng!
Bộ đội Cụ Hồ luôn nhận thức đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Do đó, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, chấp nhận không ít gian khổ, hy sinh, từ những khoảng lặng đời tư đến sự hy sinh xương máu thì Bộ đội Cụ Hồ luôn trước sau vẹn một lời thề: Nguyện kế tục, phát huy truyền thống vẻ vang; phấu đấu xứng đáng hơn nữa với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
“Với trách nhiệm chính trị cao trước Đảng, dân tộc, Đảng bộ Quân đội quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng quân đội tiến lên hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ… góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”-Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc; phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, H.2021, tr.157-158
TRẦN TUẤN – TẤN TUÂN – HOÀNG TIẾN – HỒNG SÁNG (Báo Quân đội nhân dân điện tử)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Theo: Hội Cờ đỏ