Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ sau khi Taliban “nắm trọn” Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục bênh vực quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi nước này và khẳng định ông “không hối hận”, dù ông thừa nhận rằng chình quyền Afghanistan sụp đổ nhanh hơn dự kiến của chính quyền Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng đã đổ lỗi cho giới lãnh đạo và các lực lượng vũ trang của Afghanistan vì đã không kiên cường trụ vững trước cuộc tấn công chớp nhoáng của Taliban.
Sau đây là nội dung toàn văn của bài phát biểu của Tổng thống Biden:
Xin chào các bạn,
Hôm nay tôi muốn nói về tình hình đang diễn ra tại Afghanistan, những diễn biến từ tuần trước và những điều chúng tôi đang tiến hành để giải quyết các diễn biến phát triển nhanh chóng này.
Đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ và bản thân tôi đã theo dõi chặt chẽ tình hình trên thực địa ở Afghanistan và đang nhanh chóng tiến hành các kế hoạch mà chúng tôi đã chuẩn bị để ứng phó với các tình huống bất ngờ, bao gồm sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan như những gì chúng ta đang chứng kiến.
Tôi sẽ nói rõ hơn trong giây lát về các biện pháp cụ thể mà chúng tôi đang thực hiện. Nhưng tôi muốn nhắc lại những điều đã đưa chúng ta đến tình thế hiện tại và lợi ích của Mỹ ở Afghanistan là gì.
Gần 20 năm trước, Mỹ đã đến Afghanistan với những mục tiêu rõ ràng: Bắt những kẻ đã tấn công Mỹ vào ngày 11/9/2001, và đảm bảo Al-Qaida không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công chúng ta một lần nữa. Chúng tôi đã làm điều đó. Chúng ta đã giảm thiểu đáng kể sự nguy hiểm của Al Qaeda ở Afghanistan.
Chúng ta chưa bao giờ từ bỏ việc săn lùng Osama bin Laden và đã bắt được hắn. Nhưng đó là mục tiêu từ một thập kỷ trước. Nhiệm vụ của chúng ta ở ở Afghanistan không bao giờ là xây dựng quốc gia, càng không phải là tạo ra một nền dân chủ thống nhất, tập trung.
Lợi ích quốc gia quan trọng duy nhất của chúng ta ở Afghanistan cho đến ngày nay vẫn là ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ, quê hương của chúng ta.
Trong nhiều năm, tôi đã liên tục lập luận rằng sứ mệnh của chúng ta nên tập trung trong phạm vi hẹp là chống khủng bố, chứ không phải chống lực lượng nổi dậy hay xây dựng quốc gia. Đó là lý do tôi phản đối đề xuất tăng quân vào 2009 khi tôi là phó tổng thống.
Và đó là lý do tại sao với tư cách là tổng thống, tôi kiên quyết tập trung vào các mối đe dọa mà chúng ta đang phải đối mặt ngày hôm nay, vào năm 2021, chứ không phải các mối đe dọa của quá khứ.
Ngày nay, mối đe dọa khủng bố đã lan rộng ra ngoài lãnh thổ Afghanistan. Al Shabab ở Somalia, Al Qaeda ở Bán đảo Ả Rập, Al Nusra ở Syria, ISIS cố gắng tạo ra một nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq và thành lập các chi nhánh ở nhiều quốc gia ở châu Phi và châu Á.
Những mối đe dọa này cần sự chú ý và các nguồn lực của chúng ta. Chúng ta thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố hiệu quả chống lại các nhóm khủng bố ở nhiều quốc gia mà Mỹ không hiện diện quân sự thường xuyên. Nếu cần thiết, chúng ta cũng sẽ làm như vậy ở Afghanistan.
Chúng ta đã phát triển khả năng chống khủng bố từ xa, cho phép chúng ta chú ý đến các mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ trong khu vực và hành động nhanh chóng và quyết đoán khi cần.
Khi tôi nhậm chức, tôi đã thừa hưởng một thỏa thuận mà cựu Tổng thống Trump đã đàm phán với Taliban. Theo thỏa thuận đó, các binh sĩ Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan vào ngày 1/5/2021 – chỉ hơn 3 tháng kể từ thời điểm tôi nhậm chức. Dưới thời chính quyền Trump, lực lượng của Mỹ tại Afghanistan vốn đã giảm từ khoảng 15.500 xuống còn 2.500 quân. Taliban khi ấy đang ở thời kỳ mạnh nhất về mặt quân sự kể từ năm 2001.
Lựa chọn mà tôi phải đưa ra với tư cách là tổng thống Mỹ là tuân theo thỏa thuận đó hoặc chuẩn bị quay lại chiến đấu với Taliban vào giữa mùa giao tranh mùa xuân. Nếu làm như vậy, thì sẽ không có lệnh ngừng bắn sau ngày 1/5.
Không có hiệp định nào bảo vệ các lực lượng của chúng ta sau ngày 1/5. Không có nguyên trạng ổn định nếu không có thương vong của Mỹ sau ngày 1/5. Sau ngày 1/5, sẽ chỉ có một thực tế lạnh lùng là tuân theo thỏa thuận rút lực lượng của chúng ta hoặc leo thang xung đột và điều thêm hàng ngàn lính Mỹ trở lại chiến đấu ở Afghanistan, bước vào thập niên thứ ba của cuộc xung đột.
Tôi kiên quyết giữ nguyên quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi đã học được một cách khó khăn rằng không bao giờ có thời điểm thích hợp để Mỹ rút quân. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn ở đó.
Chúng tôi hiểu rõ những rủi ro và đã lên kế hoạch cho mọi kịch bản bất ngờ, nhưng tôi luôn cam kết với người dân Mỹ rằng tôi sẽ thẳng thắn với các bạn.
Sự thật là điều này diễn ra nhanh hơn chúng tôi đã dự đoán. Vậy điều gì đã xảy ra? Các nhà lãnh đạo của Afghanistan đã bỏ cuộc và tháo chạy khỏi đất nước. Quân đội Afghanistan sụp đổ, thậm chí là không còn ý chí chiến đấu.
Những diễn biến trong tuần qua đã củng cố rằng việc Mỹ chấm dứt can thiệp quân sự ở Afghanistan lúc này là một quyết định đúng đắn. Quân đội Mỹ không thể, không nên tham chiến và bỏ mạng trong một cuộc chiến mà các lực lượng của Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính họ.
Mỹ đã chi hơn 1.000 tỷ USD. Chúng ta đã huấn luyện và trang bị cho lực lượng quân đội Afghanistan với khoảng 300.000 binh sĩ mạnh mẽ, được trang bị cực kỳ tốt – một lực lượng có quy mô lớn hơn quân đội của nhiều đồng minh NATO của chúng ta.
Chúng ta đã cung cấp cho họ mọi công cụ mà họ có thể cần. Chúng ta đã trả lương cho họ, giúp họ duy trì lực lượng không quân. Đó là thứ mà Taliban không có. Taliban không có không quân. Chúng ta đã hỗ trợ không chiến cho Afghanistan. Chúng ta đã cho họ mọi cơ hội để xác định tương lai của chính mình. Nhưng những gì chúng ta không thể cho họ là ý chí chiến đấu cho tương lai đó.
Quả thực, vẫn có một số lực lượng, đơn vị và binh lính đặc nhiệm Afghanistan rất dũng cảm và có năng lực. Nhưng nếu bây giờ Afghanistan không thể thực sự kháng cự Taliban, thì dù 1 năm, 5 năm hay 20 năm nữa, kể cả quân đội Mỹ vẫn còn ở đó thì cũng không thể tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào.
Đây là những điều tôi thực sự tin tưởng: Thật sai lầm khi ra lệnh cho quân đội Mỹ tiến lên, trong khi các lực lượng vũ trang của Afghanistan thì không. Các nhà lãnh đạo chính trị của Afghanistan đã không thể xích lại gần nhau vì lợi ích của người dân, không thể đàm phán vì tương lai của chính đất nước họ.
Họ sẽ không bao giờ làm như vậy trong khi quân đội Mỹ vẫn ở Afghanistan, gánh trên vai gánh nặng của cuộc chiến vì họ. Và các đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của chúng ta, Trung Quốc và Nga, không muốn gì khác hơn là Mỹ tiếp tục dành hàng tỷ USD tài nguyên và tập trung sự chú ý vào việc ổn định Afghanistan vô thời hạn.
Khi tôi tiếp đón Tổng thống Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan Abdullah tại Nhà Trắng vào tháng 6 và nói chuyện qua điện thoại với ông Ghani một lần nữa vào tháng 7, chúng tôi đã có những cuộc trao đổi rất thẳng thắn.
Chúng tôi đã nói về cách Afghanistan nên chuẩn bị như thế nào để đối phó với nội chiến, để làm sạch tham nhũng sau khi quân Mỹ rời đi, để chính phủ Afghanistan có thể hoạt động vì người dân của họ. Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết của việc đoàn kết về mặt chính trị đối với các nhà lãnh đạo Afghanistan. Họ đã không làm được điều đó.
Tôi cũng đã kêu gọi họ tham gia vào các hoạt động ngoại giao, tìm kiếm một giải pháp chính trị với Taliban. Lời khuyên này đã bị từ chối thẳng thừng. Ông Ghani khẳng định rằng các lực lượng vũ trang Afghanistan sẽ chiến đấu, nhưng rõ ràng là ông ấy đã sai.
Vì vậy, tôi xin đặt câu hỏi cho những người tranh luận rằng chúng ta nên ở lại: Sẽ cần bao nhiêu thế hệ con, cháu của nước Mỹ phải tham chiến tại Afghanistan trong khi quân đội Afghanistan sẽ không làm điều đó? Chúng ta phải hy sinh bao nhiêu mạng người nữa, có đáng để chúng ta làm như vậy không, khi đã có biết bao nhiêu hàng bia vô tận tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington?
Câu trả lời của tôi rất rõ ràng: Tôi sẽ không lặp lại những sai lầm mà chúng ta đã mắc phải trong quá khứ. Chúng ta đã sai lầm khi ở lại và chiến đấu vô thời hạn trong một cuộc xung đột không phải vì lợi ích quốc gia của Mỹ, khi dồn sức cho một cuộc nội chiến của nước khác, khi cố gắng tái tạo đất nước thông qua các cuộc triển khai quân sự không ngừng. Đó là những sai lầm mà chúng ta không thể tiếp tục lặp lại vì chúng ta có mối quan tâm quan trọng trên thế giới mà chúng ta không thể bỏ qua.
Tôi cũng muốn thừa nhận rằng những điều đang diễn ra ở Afghanistan khiến rất nhiều người trong chúng ta đau đớn. Thực sự đau lòng, đặc biệt là đối với các cựu chiến binh, các nhà ngoại giao Mỹ, nhân viên thiện nguyện – bất kỳ ai đã dành thời gian để hỗ trợ người dân Afghanistan. Đối với những người đã mất đi người thân yêu ở Afghanistan, và đối với những người Mỹ đã chiến đấu ở Afghanistan, điều này có ý nghĩa cá nhân sâu sắc. Tôi cũng cảm thấy vậy.
Tôi đã làm việc về những vấn đề này lâu như bất cứ ai. Tôi đã quan tâm đến Afghanistan trong cuộc chiến này, trong khi chiến tranh tiếp diễn, từ Kabul đến Kandahar, đến Thung lũng Kunar. Tôi đã đến đó trong bốn dịp khác nhau. Tôi đã gặp gỡ mọi người. Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo. Tôi đã dành thời gian với các binh sĩ Mỹ, và tôi đã hiểu rõ, chứng kiến tận mắt những điều có thể và không thể ở Afghanistan. Vì vậy, bây giờ chúng tôi đang tập trung vào những điều có thể.
Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan. Chúng ta sẽ dẫn đầu bằng chính sách ngoại giao, ảnh hưởng quốc tế và viện trợ nhân đạo. Chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và can dự trong khu vực để ngăn chặn bạo lực và bất ổn. Chúng ta sẽ tiếp tục lên tiếng cho các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, của phụ nữ và trẻ em gái, giống như cách chúng ta lên tiếng trên toàn thế giới.
Tôi đã nêu rõ rằng nhân quyền phải là trung tâm trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ, chứ không phải ngoại vi. Tuy nhiên, cách thức thực hiện mục tiêu đó không phải là thông qua các đợt triển khai quân không ngừng nghỉ, mà bằng các công cụ ngoại giao hoặc kinh tế của chúng ta và tập hợp sự tham gia của thế giới.
Tôi xin trình bày nhiệm vụ hiện tại ở Afghanistan:
Tôi đã được yêu cầu duyệt kế hoạch triển khai 6.000 binh sĩ đến Afghanistan với mục đích hỗ trợ di tản các nhân viên dân sự Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan, đồng thời sơ tán các đồng minh Afghanistan của chúng tôi và những người Afghanistan dễ bị tổn thương đến nơi an toàn bên ngoài Afghanistan.
Quân đội Mỹ đang nỗ lực để bảo đảm sân bay tiếp tục hoạt động thông qua các chuyến bay dân sự và quân sự. Chúng tôi đang nắm quyền kiểm soát không lưu. Chúng tôi đã đóng cửa đại sứ quán Mỹ an toàn và sơ tán các nhân viên ngoại giao. Sự hiện diện ngoại giao của Mỹ hiện cũng được củng cố tại sân bay Kabul.
Trong những ngày tới, chúng tôi dự định sẽ sơ tán hàng nghìn công dân Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Afghanistan. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhân viên dân sự của các đồng minh, những người vẫn đang phục vụ Afghanistan, rời đi an toàn. Chiến dịch Tị nạn Đồng minh, như tôi đã thông báo hồi tháng 7, đã đưa 2.000 người Afghanistan đủ điều kiện xin thị thực nhập cư đặc biệt và gia đình của họ đến Mỹ.
Trong những ngày tới, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ để di chuyển nhiều người Afghanistan đủ tiêu chuẩn và gia đình của họ ra khỏi Afghanistan. Chúng tôi cũng đang mở rộng khả năng tiếp nhận người tị nạn để bao gồm những người Afghanistan dễ bị tổn thương khác, những người đã làm việc cho đại sứ quán của chúng tôi, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ và những người Afghanistan làm việc cho các hãng thông tấn của Mỹ.
Tôi biết có những lo ngại, thắc mắc rằng tại sao chúng tôi không bắt đầu sơ tán dân thường Afghanistan sớm hơn. Một phần lí do là một số người Afghanistan không muốn rời đi sớm hơn, họ vẫn còn hy vọng vào đất nước của mình, và một phần lí do là vì chính phủ Afghanistan và những người ủng hộ họ không khuyến khích Mỹ tổ chức một cuộc di cư ồ ạt để tránh “khủng hoảng niềm tin.”
Quân đội Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ này một cách chuyên nghiệp và hiệu quả như họ vẫn làm, nhưng không phải là không có rủi ro. Khi tiến hành cuộc di tản này, chúng tôi đã nói rõ với Taliban rằng nếu họ tấn công nhân viên của chúng ta hoặc làm gián đoạn hoạt động của chúng ta, Mỹ sẽ có phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ.
Chúng tôi sẽ bảo vệ người dân và các đồng minh của mình một cách an toàn và nhanh chóng nhất có thể, bằng vũ lực tàn khốc nếu cần thiết.
Và khi chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ này, chúng tôi cũng sẽ hoàn thành việc rút quân và kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Sau 20 năm dài đổ máu, những sự kiện mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là bằng chứng đáng buồn cho thấy không có lực lượng quân sự nào có thể mang lại một Afghanistan ổn định, thống nhất và an toàn – nơi được biết đến trong lịch sử như “mồ chôn các đế chế”.
Những điều đang xảy ra bây giờ có thể dễ dàng xảy ra cách đây 5 năm hoặc trong 15 năm tới. Thành thật mà nói, sứ mệnh của chúng ta tại Afghanistan đã có nhiều sai lầm trong hai thập kỷ qua.
Hiện tại tôi là tổng thống Mỹ thứ tư chủ trì cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc chiến đã trải qua hai đời tổng thống Dân chủ và hai tổng thống Cộng hòa. Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho tổng thống thứ năm. Tôi cũng sẽ không đánh lừa người dân Mỹ khi tuyên bố rằng chỉ cần thêm một chút thời gian ở Afghanistan sẽ tạo nên sự khác biệt, tôi cũng sẽ không lảng tránh trách nhiệm của mình đối với vị trí của nước Mỹ ngày nay và cách chúng ta phải tiến lên từ vị trí hiện tại.
Tôi là tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và tôi có trách nhiệm cao nhất.
Tôi vô cùng đau buồn trước hiện thực mà chúng ta đang phải đối mặt, nhưng tôi không hối hận về quyết định chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và duy trì sự tập trung vào sứ mệnh chống khủng bố tại quốc gia này và những khu vực khác trên thế giới.
Nhiệm vụ của chúng ta là làm giảm mối đe dọa khủng bố của Al Qaeda ở Afghanistan và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden đã thành công. Nhưng nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để vượt qua hàng thế kỷ lịch sử, thay đổi vĩnh viễn và tái tạo Afghanistan đã không thành công, và tôi tin rằng đó là điều bất khả thi.
Tôi không thể và sẽ không yêu cầu quân đội của chúng ta chiến đấu liên tục trong cuộc nội chiến của đất nước khác, hứng chịu thương vong, hứng chịu những tổn thương đến tính mạng, khiến gia đình tan nát vì đau thương và mất mát. Đây không phải là lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ, càng không phải là những gì người dân Mỹ muốn. Đây không phải là điều mà quân đội Mỹ – những người đã hy sinh hơn hai thập kỷ qua – đáng được hưởng.
Tôi đã cam kết với người dân Mỹ khi tranh cử tổng thống rằng tôi sẽ chấm dứt sự can dự quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Mặc dù điều đó khó khăn và lộn xộn, và tất nhiên là còn lâu mới hoàn hảo, nhưng tôi rất tôn trọng cam kết đó.
Điều quan trọng hơn, tôi đã cam kết với những nam quân nhân và nữ quân nhân dũng cảm của đất nước ta rằng tôi sẽ không yêu cầu họ tiếp tục liều mạng vì một hành động quân sự lẽ ra đã kết thúc từ lâu.
Tôi biết quyết định của mình sẽ bị chỉ trích, nhưng tôi thà hứng chịu tất cả những lời chỉ trích đó hơn là chuyển quyết định này cho một tổng thống khác của nước Mỹ. Bởi đó là một quyết định đúng đắn.
Đó là quyết định đúng đắn cho người dân Mỹ, một quyết định đúng đắn đối với các quân nhân quả cảm của chúng ta – những người đã liều mạng phụng sự đất nước. Và đó là lựa chọn phù hợp cho nước Mỹ.
Cảm ơn các bạn. Cầu Chúa bảo vệ quân đội của chúng ta, các nhà ngoại giao của chúng ta và tất cả những người Mỹ dũng cảm đang phụng sự đất nước ở nơi hiểm nguy.
Bảo Trâm (Theo New York Times)
Theo: Cánh cò