Tây Ban Nha trở thành quốc gia đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 ở châu Âu do sự đồng lòng của người dân và niềm tin tưởng sâu sắc vào hệ thống y tế công cộng.
Hơn 61% trong số 47 triệu người Tây Ban Nha đã tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ cao nhất giữa các nước lớn thuộc Liên minh châu Âu, xếp trên Italy (57,8%), Pháp (56%) và Đức (55,2%). Con số ở Mỹ là 50,3%.
Giáo sư xã hội học Josep Lobera, Đại học Tư nhân Madrid, cho biết một trong những nền tảng giúp Tây Ban Nha tiêm chủng thành công là sự tin tưởng của cộng đồng vào hệ thống y tế. Người dân nước này hiếm khi có sự do dự đối với vaccine.
“Chúng tôi có lợi thế hơn nhiều quốc gia, bởi niềm tin vào vaccine nói chung, đặc biệt là vaccine dành cho trẻ em, cao hơn so với các nước châu Âu khác”, giáo sư Lobera nhận định.
Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London, công bố hồi tháng 6, cho thấy 79% người Tây Ban Nha tin dùng vaccine Covid-19. Con số cao hơn so với 62% ở Mỹ, 56% tại Pháp và 47% của Nhật Bản.
Ở Tây Ban Nha, không có các cuộc biểu tình chống tiêm vaccine bắt buộc cho nhân viên y tế như Pháp và Italy. Người dân cũng đồng thuận trong việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng để tham gia hoạt động thường ngày, như ăn uống tại nhà hàng.
Hôm 9/8, Bộ trưởng Giáo dục Pilar Alegria cho biết đất nước không cần quy định tiêm phòng bắt buộc cho giáo viên hoặc lao động thiết yếu khác, vì “thực tế là mọi người đều tự nguyện làm điều này”.
Một buổi sáng tháng 8, nhiều người ở độ tuổi 30 xếp hàng dài, chờ đợi dưới cái nắng gay gắt để vào trung tâm tiêm chủng hàng loạt ở nhà thi đấu Wizink, thành phố Madrid. Điểm tiêm chủng hoạt động suốt ngày đêm. Trong đó có Ines Gomez Calvo, nhà thiết kế đồ họa 28 tuổi. Cô tin tưởng “100%, 200%” vào hệ thống y tế công cộng của Tây Ban Nha.
Được thiết lập khi nước này trở lại chế độ dân chủ sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco năm 1975, hệ thống cung cấp bảo hiểm toàn dân miễn phí, như một quyền được bảo đảm trong hiến pháp. Hầu hết người Tây Ban Nha cho rằng đây là bước tiến hiện đại, theo giáo sư Lobera.
Các giáo viên Tây Ban Nha chờ tiêm vaccine Covid-19 tại Đại học Seville. Ảnh: AFP
Lý do thứ hai dẫn đến thành công tiêm chủng của quốc gia là mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên gia đình. 55% người từ 25 đến 29 tuổi vẫn sống cùng cha mẹ.
Anh Alejandro Costales, 30 tuổi, đang xếp hàng tiêm vaccine tại Wizink, cho rằng đây là cách để “quan tâm đến gia đình đôi chút”.
“Nó đảm bảo tôi sẽ không mang mầm bệnh về nhà và lây cho mọi người”, anh nói.
Theo giáo sư Lobera, người trẻ ở Tây Ban Nha khó có cuộc sống độc lập bởi công việc còn nhiều bấp bênh. “Điều này có nghĩa gia đình đóng vai trò như nguồn sống trong thời kỳ khủng hoảng”, ông giải thích.
Kinh nghiệm đau thương thời vaccine bại liệt cũng khiến người dân quan tâm hơn đến tiêm chủng. Những năm 1950, trong khi một số quốc gia bắt đầu tiêm vaccine bại liệt, Tây Ban Nha dưới thời Franco đã chờ đến hơn một thập kỷ sau. Kết quả, hàng nghìn trẻ em nhiễm bệnh, gây ra khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất, nhiều trường hợp tử vong.
Javier García, chủ tịch hiệp hội Cota Cero đại diện cho các nạn nhân bại liệt, nói: “Đó là một thảm họa tuyệt đối”.
Người đàn ông 60 tuổi đã trải qua 17 lần phẫu thuật chân khi còn nhỏ, hiện phải ngồi xe lăn. Năm 4 tuổi, ông mới lần đầu đứng được trên hai chân, sau đó cần hỗ trợ chỉnh hình.
Vì lẽ đó, ông không nghi ngờ về vaccine Covid-19. “Quan trọng là mọi người đều được tiêm chủng càng sớm càng tốt”, ông nói.
Thục LinhChợ Rẫy xét nghiệm định lượng kháng thể sau tiêm vaccine Covid-19
Theo: Cánh cò