Ngày 27/11/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử công khai bị cáo Nguyễn Văn Hóa về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo Khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự. Dựa vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam, 3 năm quản chế sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Hình phạt nêu trên đối với Nguyễn Văn Hóa là kết quả tất yếu của một quá trình thực hiện hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định. Tuy nhiên, trước, trong và đặc biệt sau khi phiên xét xử sơ thẩm kết thúc, phía dư luận lề trái và một số cá nhân nước ngoài đã có những bình luận về bản án này thiếu khách quan, sai sự thật. Đáng chú ý, trong một “tuyên bố” phát đi mới đây, “38 tổ chức và cá nhân hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo” đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho lập tức và vô điều kiện cho Nguyễn Văn Hóa. Chưa dừng ở đó, các tổ chức và cá nhân này còn kêu gọi Việt Nam “cần ngừng ngay lập tức chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự và những người thực thi quyền tự do ngôn luận theo quy định của Hiến pháp”.
Các tổ chức nước ngoài núp bóng nhân quyền để can thiệp vào nội bộ Việt Nam, Ông Panzeri, Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Âu cũng lên tiếng về bản án đối với Nguyễn Văn Hóa: “Tôi rất sửng sốt khi được biết về bản án 7 năm tù giam đối với anh Nguyễn Văn Hóa chỉ vì bày tỏ quan điểm về thảm họa môi trường, gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống của các ngư dân ở Hà Tĩnh. Một lần nữa, tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy tôn trọng quyền tự do biểu đạt của người dân Việt Nam và yêu cầu họ xem xét lại bản án 7 năm tù đối với anh Nguyễn Văn Hóa”
Trên tờ New York Times của Mỹ thì có bài viết “Blogger Việt Nam bị 7 năm tù giam vì viết về xả chất độc hại”. Bài báo cũng dẫn lời tác giả Richard C. Paddock dẫn lời Phó giám đốc Ban châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Phil Robertson rằng: “Việc kết án của Nguyễn Văn Hòa cho thấy sự mong muốn hoang tưởng của chính phủ để duy trì kiểm soát chính trị cao hơn những quan niệm về công lý và nhân quyền.”
Đây rõ ràng là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Việt Nam bởi không gì có thể che mờ được hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Hóa đã quá rõ ràng. ừ năm 2013 – 2017, Nguyễn Văn Hóa thiết lập quan hệ với các tổ chức phản động để copy, đăng tải, phát tán các bài viết của nhiều đối tượng phản động chống đối Đảng, Nhà nước; Nguyễn Văn Hóa còn tự viết, biên tập lại các bài viết với bút danh “Con kiến con” gửi các đài RFA, SBNT, Báo dân luận, Thanh niên Công giáo, Tin mừng cho người nghèo, các trang facebook cung cấp các thông tin sai lệch để các tổ chức phản động cũng như các phần tử cơ hội chính trị trong nước bóp méo sự thật, vu cáo nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó Nguyễn Văn Hóa còn ký hợp đồng với ban Tiếng Việt, Đài Châu Á tự do với mức lương 1.500 USD/16 phóng sự, gửi bài do Báo Dân luận mỗi phóng sự 1 triệu đồng…
Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Nguyễn Văn Hóa vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự là rất rõ ràng. Hành vi ấy là hành vi phạm tội có tổ chức, có sự móc nối với bên ngoài… Hành vi đó là biểu hiện của chủ nghĩa tự do cực đoan, không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, mà còn gây nguy hiểm cho xã hội, làm phương hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hóa về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng luật pháp Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế. Kung hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự từ 3 năm đến 12 năm tù. Khi quyết định hình phạt đối với Nguyễn Văn Hóa, Hội đồng xét xử đã phải xem xét đầy đủ các tình tiết trong vụ án, đặc biệt là tình tiết giảm nhẹ để có một bản án thích đáng nhất là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, 7 năm tù giam, 3 năm quản chế không phải là bản án nặng nề hay bất công như những luận điệu nêu trên đưa ra.
Tại Việt Nam, mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, song quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam không có bất kỳ cá nhân nào bị “đàn áp” chỉ vì “thực thi quyền tự do ngôn luận”, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý mà thôi. Do đó, những “tuyên bố” phát đi của cái gọi là “38 tổ chức và cá nhân hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo” hay những phát ngôn của các tổ chức núp bóng nhân quyền nước ngoài về việc yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa là hết sức vô lý và không thể chấp nhận được./.
Hồng Ân (TH)