Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, trong ngày 26/7 đã có hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương, địa phương trên cả nước đã lên đường “Nam tiến” kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng cùng TPHCM và các tỉnh phía Nam phòng chống đại dịch COVID-19.
Ngày 26/7, Đoàn công tác của Bệnh viện E gồm 45 y bác sĩ; Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu Nghị gồm 35 bác sĩ, điều dưỡng; Đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương gồm 17 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế,… đã lên đường “Nam tiến” chung sức cùng các đồng nghiệp ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Các thầy thuốc được cử đi đợt này thuộc nhiều chuyên khoa như: Cấp cứu, tim mạch, gây mê hồi sức, gây mê hồi sức tích cực và chống độc; chẩn đoán hình ảnh; thần kinh; ngoại tim mạch, phẫu thuật cột sống, hô hấp, cơ xương khớp, tiêu hóa, gan mật…
Chiều nay 27/7, đoàn cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện K cũng sẽ lên đường vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các đồng nghiệp.
Trong ngày 26/7, các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… đã tổ chức xuất quân, tiễn các thầy thuốc lên đường chống dịch.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang cử 35 cán bộ, y, bác sĩ; tỉnh Quảng Bình cử 29 nhân viên y tế, Lạng Sơn cử 27 thầy thuốc vào hỗ trợ chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế cử đoàn gồm 66 cán bộ, nhân viên y tế; tỉnh Quảng Trị cử 35 y bác sĩ vào hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bình Dương. Tại tỉnh Bình Dương, các y bác sĩ sẽ tham gia hỗ trợ điều trị, truy vết, test nhanh, xét nghiệm Realtime-PCR khẳng định các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, phối cùng ngành y tế tỉnh Bình Dương và các lực lượng tăng cường khác tập trung cắt đứt nguồn lây COVID-19.
Bố trí chuyến bay ưu tiên cho các thầy thuốc vào Nam
Tối qua, 26/7, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã bố trí gấp một tàu bay cỡ lớn Boeing 787 để chở đoàn y bác sĩ, nhân viên y tế thuộc các bệnh viện Trung ương, địa phương khu vực phía Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm hàng trăm y bác sĩ bay vào phía Nam chống dịch.
Vietnam Airlines nỗ lực bố trí chuyến bay với mức độ ưu tiên cao cho các thầy thuốc, trong bối cảnh tần suất các chuyến bay nội địa đã cắt giảm mạnh theo yêu cầu phòng dịch của nhà chức trách.
Hơn 2100 lượt cán bộ y tế tình nguyện tham gia cùng TPHCM chống dịch
Bộ phận Thường đặc biệt của Bộ Y tế cho biết, tính đến 18h ngày 26/7, ngày thứ hai từ khi PGS.TS, Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế chung tay tham gia chống dịch hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, đã có hơn 2 ngàn lượt người đăng ký, trong đó tình nguyện viên ngụ tại TP Hồ Chí Minh gần 1.900 người; các tỉnh khác hơn 200 người.
Trong số này có gần 300 người là bác sĩ; điều dưỡng gần 400; dược sĩ gần 200 người và các ngành nghề khác là 800 người.
Độ tuổi tham gia tình nguyện viện rất phong phú: Dưới 20 tuổi: 80 người; Từ 20-50 tuổi: hơn 1.800 người; Trên 50 tuổi: hơn 120 người
Hiện nay, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch phân 80 bác sĩ và 50 điều dưỡng đến Bệnh viện điều trị COVID-19 và một số bệnh viện Dã chiến, số còn lại sẽ đưa về các cơ sở điều trị và các địa phương có nhu cầu trong thành phố.
Nhiều bệnh viện tư đăng ký chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19
Ngày 27/7, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có nhiều bệnh viện tư nhân đã chủ động đăng ký tham gia một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi) hoặc chuyển đổi công năng trở thành bệnh điều trị COVID-19. Tất cả bệnh viện trên đều đủ năng lực để tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của TPHCM.
Cụ thể, Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức đăng ký chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện với quy mô ban đầu là 100 giường và có thể nâng lên 200 giường khi cần, hiện bệnh viện đang khẩn trương lắp đặt thêm bồn oxy lỏng để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong vài ngày tới. Đây là một bệnh viện có cơ sở hạ tầng hiện đại, vừa đưa vào sử dụng chỉ hơn 4 tháng.
Bệnh viện Triều An, đăng ký theo mô hình bệnh viện tách đôi với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19. Trong thời gian qua, Bệnh viện Triểu An đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp COVID-19 có triệu chứng tại khu cách ly của bệnh viện.
Bệnh viện Xuyên Á, mặc dù bệnh nhân nội trú vẫn còn rất đông với nhiều trường hợp nặng cần cần can thiệp phẫu thuật, nhưng bệnh viện vẫn đăng ký tham gia điều trị COVID-19 theo mô hình bệnh viện tách đôi với quy mô 125 giường, lãnh đạo bệnh viện cam kết sẽ thiết kế và triển khai xây dựng theo mô hình bệnh viện dã chiến tách rời hẵn khỏi cơ sở hiện nay của bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn sau thời gian tạm ngưng hoạt động cũng đăng ký hoạt động trở lại để tham gia công tác điều trị COVID-19 của TPHCM.
Siết chặt tay nhau trên tuyến đầu chống dịch
Chiều qua (26/7), đi thăm, động viên các y, bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ Thủ Đức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi: “Chống dịch như chống giặc, lúc này “giặc COVID” đã vào nhà.
Tất cả các bệnh viện, không phân biệt lớn hay nhỏ, công hay tư và đội ngũ y, bác sĩ hãy cùng siết chặt tay nhau trên tuyến đầu chống dịch, với một tinh thần khẩn trương nhất, dưới sự điều hành, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM.
Chạy đua theo thời gian, cố gắng không để tử vong, không để bệnh nhẹ chuyển biến thành nặng. Nặng vừa thì quyết giữ không để chuyển biến thành rất nặng”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu làm được như vậy, kết hợp với việc vận động toàn dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhất là giãn cách nhà với nhà, người với người, thì chúng ta sẽ chiến thắng được đại dịch.
Minh Ngọc
Theo: Cánh cò