Dự báo số ca mắc mới còn tăng cao, TP.HCM cùng các lực lượng hỗ trợ đang nỗ lực “bóc ngay” F0 ra khỏi cộng đồng nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Sáng 10/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với TP.HCM.
Các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo địa phương đều nhận định tình hình dịch bệnh ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp. TP cần thực nghiêm Chỉ thị 16, lên kịch bản ứng phó khi số ca nhiễm tăng cao.
Phân phối thực phẩm đến tay người dân
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết để đảm bảo nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn, thành phố yêu cầu hệ thống phân phối hệ thống phân phối (SaiGon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách hóa xanh, VinMart, Family Mart…) tăng lượng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đầy đủ số lượng, đa đạng chủng loại, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các đơn vị phối hợp với hệ thống giao hàng online cùng các hình thức khác để phân phối trực tiếp đến tay người dân.
Ngoài ra, TP cũng chủ động nắm bắt khó khăn của người dân, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Người dân có thể mua nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu thông qua sự hỗ trợ từ lực lượng tình nguyện viên (Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội nhóm tình nguyện) hoặc trực tiếp đặt hàng qua điện thoại.
Người già, người neo đơn, người bệnh… được cung cấp thức ăn miễn phí. Theo lãnh đạo TP, nguồn thực phẩm hiện dồi dào, không có tình trạng khan hiếm.
Xác định việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ tác động mạnh mẽ đến người dân, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, từ ngày 6/7 đến nay, TP.HCM đã hỗ trợ hơn 31.000 đối tượng, trong đó có 1.500 người bán vé số và đề nghị các quận, huyện chủ động ngân sách để thực hiện việc này.
Về giao thông, ông Phong cho biết thành phố đã tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ. Ngoài ra, TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tái lập 157 chốt kiểm soát tại địa phương để thực hiện Chỉ thị 16.
Với quy định người phục vụ trên các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh thành và ngược lại phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, ngày 9/7, một số tuyến đường tại khu vực cửa ngõ TP xảy ra ùn tắc do nhiều người không đáp ứng được yêu cầu này.
“TP.HCM đề nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương cùng phối hợp thực hiện để chia sẻ cùng thành phố thực hiện ‘luồng xanh’ để phục vụ các phương tiện vận chuyển thiết yếu”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Lên kịch bản cho trường hợp có 1.600 ca mắc/ngàyThứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết với dự báo số ca mắc Covid-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày), Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày.
Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Do đó, TP.HCM đặt mục tiêu nỗ lực “bóc ngay” ca F0 ra khỏi cộng đồng.
Nhấn mạnh vai trò của xét nghiệm, điều trị đối với kịch bản này, ông Sơn cho biết ngành y tế đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn TP (có thể xét nghiệm được khoảng 7.000 mẫu/ngày). Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ ngành, công suất có thể tăng lên 30.000 mẫu/ngày. Nhưng con số này chỉ đáp ứng xét nghiệm cho các trường hợp F1 đang ở khu cách ly tập trung.
Theo kịch bản ước tính trong 15 ngày tới, với 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), TP cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.
Đối với nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao sẽ được thực hiện mẫu gộp toàn bộ gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. Tuy nhiên, do những gia đình trong khu vực này đã hoàn toàn giãn cách, do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh.
“Bộ phận thường trực sẽ cân nhắc và điều chỉnh hợp lý để giảm bớt số lượng test nhanh; thực hiện 2 mũi xét nghiệm giáp công (từ các vùng nóng ra và xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực an toàn) để mở rộng vùng xanh cho TP”.
Về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế đã có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho TP.HCM. Trong đó, sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của TP.
Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng, điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo TP yêu cầu. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của TP.HCM.
Không để người dân ra khỏi nhà khi không cần thiết
Từ nhận định về tình hình của TP.HCM, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần áp dụng chiến lược 2 mũi giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, khu phố là một “pháo đài” cùng nhau giữ chặt “vùng xanh”, tập trung lực lượng để quyết tâm cắt đứt chuỗi lây nhiễm để thu hẹp “vùng đỏ”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, duy trì khu vực an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ, tuyệt đối không để tập trung đông người hoặc để người dân ra khỏi nhà không cần thiết.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu địa phương phát huy kinh nghiệm thực tế, sự sáng tạo, mạnh dạn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh việc cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm phân theo nhóm hoặc hộ gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau và phương án cách ly mới đối với những ca đã đủ điều kiện ra viện…
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM thống nhất, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết
Những ngày tới, dự báo số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và điều chỉnh chiến lược truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, TP.HCM sẽ kiểm soát được tình hình.
Ngọc Lan
Theo: Cánh cò