Các sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc toàn cầu phải chuẩn bị cho khả năng ngừng hoạt động nếu 193 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể thống nhất về ngân sách 6 tỉ USD cho hoạt động của năm sau, đến 30-6-2022.
Theo Hãng tin Reuters, trong ngày 28-6, nhiều nhà ngoại giao lên tiếng cảnh báo về khả năng mọi hoạt động Gìn giữ Hòa bình sẽ ngừng lại từ thứ năm, 1-7 tới.
Họ cho biết có một số thay đổi trong thủ tục đàm phán, các vấn đề hậu cần và các cuộc đối thoại cứng rắn đã khiến Trung Quốc chống lại các nước phương Tây, làm cho việc đạt được thỏa thuận về ngân sách bị chậm trễ.
Bà Catherine Pollard, người đứng đầu mảng chiến lược quản lý, chính sách và tuân thủ của Liên Hiệp Quốc, cho biết toàn bộ 12 sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc – hầu hết ở châu Phi và Trung Đông – đã được thông báo về việc nên đưa ra các kế hoạch dự phòng trong trường hợp ngân sách mới không được thông qua kịp lúc.
“Đồng thời, chúng tôi vẫn hy vọng và tin tưởng rằng các nước thành viên sẽ kết thúc các cuộc đàm phán”, bà Pollard nói với các phóng viên.
Ngày 30-6 là thời hạn cuối cho việc thông qua ngân sách hoạt động cho năm sau. Nếu không có quyết định về ngân sách trước thời hạn này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chỉ có thể chi một số tiền để bảo vệ tài sản và bảo vệ cho các nhân viên và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Jean-Pierre Lacroix, người đứng đầu Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, cho biết khi đó, các sứ mệnh sẽ bị hạn chế nghiêm trọng, họ không thể thực hiện các biện pháp như bảo vệ người dân thường, giải quyết đại dịch COVID-19 và hỗ trợ các nỗ lực chính trị và hòa giải.
Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách gìn giữ hòa bình, khoảng 28%, sau đó là Trung Quốc với 15,2% và Nhật Bản với 8,5%.
Việt Nam có tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Từ năm 2014 đến nay, Việt nam đã 3 lần gửi bác sĩ, nhân viên y tế sang làm việc ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan và sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân khác.
HỒNG VÂN
Theo: Cánh cò