Có những người tạm gọi là nghệ sĩ được sống trong hào quang của sự nghiệp và sống sung sướng trong tiền bạc, thậm chí lợi dụng sự yêu mến của khán giả để xây dựng cho mình hẳn một đế chế riêng, hô phong hoán vũ. Cũng có những người nghệ sĩ dùng cả cuộc đời mình để cống hiến cho nghệ thuật, nhưng mức lương mãi không đủ sống, thậm chí cuối đời phải tạm bợ, lay lắt trong viện dưỡng lão của nghệ sĩ. Ấy thế mà, cùng được hưởng phúc từ tổ nghiệp thế nhưng những người cũng mang danh nghệ sĩ kia nào mấy ai nhớ đến những người đồng nghiệp nghèo khó của mình.
Nếu có ai chưa tin điều ấy, xin mời đến viện dưỡng lão nghệ sĩ ngay tại Q.8, TP.HCM. Nơi đây, đang cưu mang những mảnh đời nghệ sĩ già cả neo đơn, không người chăm sóc. Có mấy ai nghĩ rằng chỉ cách đây mấy chục năm họ vẫn là những người nghệ sĩ nổi tiếng, diễn xuất trước hàng nghìn khán giả trong những bộ đồ kiêu sa lấp lánh tại những rạp hát lớn, để rồi cuối đời phải cô độc, quạnh quẽ ở nơi đây.
Cũng mấy ai biết rằng, để được mang lời ca tiếng hát, những vai diễn đến với cuộc đời, với công chúng, những người nghệ sĩ ngoài phải có năng khiếu, tài năng, thì họ phải được uốn nắn từ nhỏ và phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo. Ấy thế nhưng, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của họ lại rất ngắn. Đến độ tuổi từ 30 đến 40 (đối với nữ) và 40 đến 45 (đối với nam) thì khả năng biểu diễn suy giảm không thể đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn của nghề nghệ thuật biểu diễn. Lúc ấy cũng là lúc những con công đầy màu sắc trên sân khấu, cởi bỏ lớp áo diễn để lui về nhường lại vai diễn cho thế hệ trẻ.
Đó là nói về những người nghệ sĩ thực thụ, có khả năng sáng tạo nghệ thuật và những tác phẩm của họ, những vai diễn họ mang đến cho đời đều chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng, có tính nhân văn, có hồn của dân tộc. Và đặc biệt sẽ khiến cho người khán giả hướng đến cái chân thiện mỹ thông qua nhân cách của chính người nghệ sĩ đó. Đáng tiếc rằng, những người nghệ sĩ chân chính ấy, đang bị bôi đen, bị làm hoen ố bởi những người đàn em, những người vốn được coi là đồng nghiệp. Giờ nhắc đến nghệ sĩ đa phần đều nhớ đến đó là một thế giới ồn ào, tranh giành, đấu tố, thậm chí còn lợi dụng danh tiếng để làm điều xằng bậy, phản bội lại niềm tin của công chúng. Những giá trị chân chính dần bị lãng quên, ngay đến cái nhà thờ Tổ cũng bị mục nát theo năm tháng, bởi người ta đã tự tạo một ngôi nhà Tổ hoành tráng, xa xỉ để phục vụ chính bản thân họ. Ngay chính những người trong nghề còn lãng quên nguồn gốc của họ, thì đòi hỏi sao được sự chung tình của khán giả.
Bởi vậy nên, khi Bộ VHTT&DL có văn bản đề nghị hỗ trợ cho nghệ sĩ vì chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì đã không có ít ý kiến lên tiếng phản đối. Thực ra, đây cũng là một tâm lý rất bình thường khi chứng kiến những thần tượng trở nên méo mó, lệch lạc. Thế nên, không phải ai cũng có đủ bình tĩnh để tiếp nhận văn bản này. Thứ nhất việc hỗ trợ này ra đời là do thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Tuy nhiên, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch đang chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất do tác động của dịch nhưng cho tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ. Thứ hai, chỉ hỗ trợ nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Thứ ba, không phải chỉ có nghệ sĩ mà hướng dẫn viên du lịch cũng được nằm trong danh sách đối tượng được hỗ trợ. Thứ tư, đây là trách nhiệm của Bộ VHTT&DL, vậy nên những người được đề nghị hỗ trợ nằm trong trách nhiệm của họ quản lý.
Chúng ta có thể phẫn nộ, có thể nổi giận vì những lùm xùm và sự lừa dối mà những người tạm gọi là nghệ sĩ gần đây mang tới. Thế nhưng, hãy lắng lòng nhận định, bên cạnh đó vẫn còn những người nghệ sĩ chân chính, họ vẫn phải miệt mài lao động để kiếm cơm, và trong cơn đại dịch này, họ cũng là những người bị ảnh hưởng nặng nề và cần phải giúp đỡ. Và tin rằng, chẳng ai nhẫn tâm nhìn đồng bào mình cơ cực mà không chìa tay ra cả. Đừng vì những người đồng nghiệp lạnh lùng, chỉ biết tô son điểm phấn, vẽ hào quang và xây dựng đế chế kia của họ mà đánh mất đi sự thiện lương và đức tính đùm bọc của chính mình!
Hạ Anh
Theo: Hội Cờ đỏ