Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tất cả nhân viên y tế Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi phải được tiêm đủ hai mũi vaccine.
“Các trường hợp không được tiêm vaccine hoặc chống chỉ định thì không tham gia công tác điều trị bệnh nhân”, Thứ trưởng Sơn nói khi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, ngày 17/6.
Thực tế cho thấy từ cụm dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, nhóm nhân viên y tế đã tiêm đủ hai mũi vaccine mắc Covid-19 hầu như không xuất hiện triệu chứng, tải lượng virus trong cơ thể thấp, tỷ lệ lây nhiễm cũng thấp hơn so với các cụm dịch từ người chưa tiêm vaccine.
Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết bệnh viện quy mô 500 giường, trong đó có 20 giường hồi sức tích cực (ICU), hoạt động từ ngày 12/6 trên cơ sở chuyển đổi công năng từ Bệnh viện huyện Củ Chi.
Bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở nhiều mức độ khác nhau, các trường hợp bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo, cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu, cấp cứu sản phụ khoa, nhi khoa…
Trong 5 ngày đầu hoạt động, bệnh viện tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân, trong đó 5 trường hợp bệnh nặng. 5 bệnh nhân suy thận mạn mắc Covid-19 cũng được chạy thận nhân tạo ngay tại viện. Các trường hợp bệnh nhân là thai phụ cũng được tổ chức thăm khám ngay tại nơi điều trị.
“Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, có sự đa dạng về mặt đặc điểm thể trạng, sức khỏe cũng như các vấn đề bệnh lý nền mà bệnh nhân mắc phải”, bác sĩ Xuân phân tích.
Theo bác sĩ Xuân, trước khi chuyển đổi công năng, Bệnh viện huyện Củ Chi vốn đa khoa hạng hai, đã tổ chức được rất nhiều khoa khác nhau, trong đó có đơn vị ICU, khoa cấp cứu, khoa hồi sức, thận nhân tạo, nội, ngoại, sản nhi… tạo nền tảng thuận lợi cho sự hoạt động của bệnh viện sau khi chuyển đổi.
Các bệnh nhân nội trú đang điều trị tại bệnh viện trước khi chuyển đổi công năng cũng được chuyển sang cơ sở khác của bệnh viện là Phòng khám Đa khoa Tân Quy và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Nhiều trường hợp khi test nhanh có kết quả dương tính nCoV cũng được chuyển về đây, được phân luồng, bố trí khu vực riêng. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần với nCoV trong vòng 48 giờ bằng phương pháp RT-PCR sẽ được chuyển về khu cách ly để tiếp tục cách ly theo quy định.
Ngoài cán bộ công nhân viên công tác tại Bệnh viện huyện Củ Chi được cơ cấu lại phù hợp, ngành y tế TP HCM cũng huy động các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố luân phiên hỗ trợ chuyên môn và can thiệp tại chỗ.
Bệnh viện đang được bốn bệnh viện hỗ trợ về hồi sức cấp cứu, hai bệnh viện hỗ trợ về kiểm soát nhiễm khuẩn. Các bác sĩ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng kết nối hỗ trợ, tập huấn trực tuyến.
Bệnh viện cũng đã có kế hoạch phối hợp triển khai hệ thống xét nghiệm PCR để phục vụ cho nhu cầu xét nghiệm tại chỗ, cũng như của Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, với công suất khoảng 1.000 mẫu/ngày. Nơi này cũng chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản số bệnh nhân nặng gia tăng.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết bệnh viện đã triển khai bố trí khu vực lưu trú cho lực lượng nhân viên, y bác sĩ tại đây. Theo đó, sau khi hết thời gian công tác tại bệnh viện, các nhân viên sẽ về nơi lưu trú được bố trí, thay vì về thẳng nhà. Điều này vừa giúp đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa giúp hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhập bệnh viện.
Bệnh viện hiện đã bố trí được 40 phòng lưu trú, hai người một phòng, đồng thời bố trí một phần nhân lực lưu trú tại khu nhà ở chuyên gia. Nơi này cũng đang áp dụng chế độ luân phiên công tác tương tự như mô hình đã được áp dụng tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi trong thời gian qua.
Ngành y tế TP HCM đang vận động các khách sạn trong khu vực để phân chia khu vực lưu trú của các nhân viên khách sạn.
Đối với việc lưu trú của nhân viên y tế, Thứ trưởng Sơn đề xuất cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân viên y tế. Bệnh viện nên phân chia nhân lực thành các kíp, các nhân sự trong cùng một kíp sẽ cùng làm việc, di chuyển và sinh hoạt. Giữa các kíp cần có sự tách biệt, khi thay đổi kíp nhân viên cần thực hiện toàn diện các biện pháp khử khuẩn theo quy định để đảm bảo an toàn và phòng chống lây nhiễm chéo.
Theo ông Sơn, với chủng Delta, số lượng bệnh nhân nặng có thể sẽ gia tăng nhanh. Cần hết sức cảnh giác, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản về nhân lực, vật lực để kịp thời đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân. Hiện tại, khi số trường hợp bệnh nhân nặng còn ít, cần triển khai công tác tập huấn về hồi sức cấp cứu, cập nhật các phác đồ điều trị, các chỉ định điều trị như thuốc chống đông, thở máy, thở máy xâm nhập…
Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia hỗ trợ bệnh viện khi có yêu cầu. Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi có thể chủ động yêu cầu Chợ Rẫy cử ê kíp trực tiếp đến hỗ trợ và đào tạo.
Ngày 17/6, TP HCM quyết định chuyển đổi công năng Bệnh viện Trưng Vương thành nơi chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 có các bệnh lý đi kèm cần can thiệp chuyên sâu, quy mô 1.000 giường với 100 giường hồi sức. Đây là bệnh viện thứ 7 chuyển đổi công năng, nhằm đáp ứng tình hình số ca Covid-19 liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Trước đó, thành phố đã chuẩn bị 2.500 giường điều trị Covid-19, với 7 đơn vị gồm Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Điều trị Covid-19 Củ Chi, Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch, Bệnh Nhiệt đới, Đơn vị điều trị Covid-19 trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2, cùng 100 giường hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế, nằm trên địa bàn TP HCM).
Lê Phương
Theo: Cánh cò