Trang Business World vừa có bài viết với tiêu đề “Learning from Vietnam’s Covid-19 response (or, how must we face a formidable foreign invader?)” (Học hỏi từ phản ứng chống Covid-19 của Việt Nam (hoặc, chúng ta phải đối mặt với một kẻ xâm lược nước ngoài đáng gờm như thế nào?)) để nói về những bài học mà Việt Nam đã tạo nên trong cuộc chiến chống Covid-19.
Sau đây, Cánh Cò xin được lược dịch bài viết trên Business World như sau:
Đã 15 tháng sau lần “xâm nhập” đầu tiên của đại dịch Covid-19 vào lãnh thổ Philippines, chúng ta vẫn đang tìm kiến sự cân bằng giữa việc ở nhà – nơi an toàn giữa “tâm bão” – để chống dịch, và mạo hiểm ra đường kiếm sống. Liệu bao lâu nữa chúng ta mới có thể thoát khỏi tình thế khó xử này?”
Kinh nghiệm của Thụy Điển là một minh chứng bi thảm cho một khái niệm khoa học – miễn dịch cộng đồng – được sử dụng làm nền tảng cho chiến lược quốc gia của nước này trong việc chế ngự đại dịch. Các quy trình chăm sóc sức khỏe như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, truy tìm liên lạc, hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới, và kiểm dịch đã được họ cố tình gạt sang một bên. Thụy Điển quay cuồng với những đợt lây nhiễm lan rộng liên tiếp không có hồi kết. Không lẽ Philippines cũng sẽ như vậy?
Hãy xem Việt Nam, quốc gia được cả thế giới công nhận rằng đã kiểm soát dịch thành công, ghi nhận tỷ lệ tử vong và nhiễm Covid-19 thấp hơn so với các nước láng giềng Đông Nam Á và hầu hết các quốc gia khác trên toàn thế giới. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới dài 1.290 km với Trung Quốc – quốc gia đầu tiên ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát diện rộng.
Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam cũng có sự tham gia của lực lượng công an và quân đội, và điều này đã góp phần gia tăng hiệu quả kiểm soát và giảm thiểu sự lây lan của virus.
Rút kinh nghiệm từ đợt đại dịch viêm đường hô hấp cấp SARS (2002-2003) gây ra nhiều hậu quả nặng nề, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp để ngăn chặn điều đó tái diễn. Việt Nam đã chuẩn bị trước cho kịch bản một dịch bệnh khác nguy hiểm hơn bùng phát – mặc dù họ thậm chí không biết đó sẽ là dịch bệnh gì và nó có thể bất ngờ tấn công vào thời điểm nào.
Việt Nam đã dành rất nhiều thời gian và công sức để nâng cấp, mở rộng toàn bộ hệ thống y tế cộng đồng, xây dựng thêm nhiều bệnh viện và trung tâm kiểm dịch trên toàn quốc, đồng thời phân bổ nhân sự, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Ngược lại, các nước đang phát triển – bao gồm cả Philippines – lại cắt giảm phân bổ ngân sách cho y tế và các dịch vụ xã hội khác…
Sự thấu đáo của Việt Nam có thể là do nước này có tư duy quân sự: dù thắng hay thua, quân đội vẫn luôn phải chuẩn bị thật nghiêm túc cho nguy cơ chiến tranh. Nhưng tư duy quân đội này cũng phải phụ thuộc vào sự đồng lòng và tự giác của người dân.
Ngay khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc và trước khi nó xâm nhập vào Việt Nam, Chính phủ và người dân Việt Nam đã cảnh giác cao độ. Lực lượng quân đội, cảnh sát cùng các nhân viên y tế đã được huy động tại các tuyến đầu chống dịch.
Nhưng để học tập điều đó cũng không hề dễ dàng. Việt Nam có lịch sử vẻ vang và truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm.
Để chiến thắng được “kẻ địch”, quân đội rất cần sự hỗ trợ của người dân. Học thuyết chống nổi dậy (COIN) của Mỹ nhấn mạnh đến việc “thu phục nhân tâm”. Quân đội và nhân dân được ví như “cá với nước”, cá thì không thể sống thiếu nước.
Chính phủ, quân đội và người dân Việt Nam đều hiểu rằng trên hết, chìa khóa của chiến thắng nằm ở sự đoàn kết và gắn kết xã hội. Đối với Việt Nam, cuộc chiến chống Covid-19 cũng chính là cuộc chiến của toàn dân. Bộ máy nhà nước, lực lượng an ninh, quân và dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau và cùng sát cánh để đánh thắng kẻ thù chung.
Bảo Trâm (Theo Business World)
Theo: Cánh cò