Thursday, September 19, 2024

Quyền tự do ngôn luận chứ không phải “ngôn luận tự do”

Thời gian qua, việc bắt khởi tố một loạt đối tượng phản động, hoạt động tuyên truyền, lật đổ chế độ như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, mẹ con Cấn Thị Thêu… đều bị các giới zân chủ xuyên tạc rằng chính quyền “đàn áp bất đồng chính kiến”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, dọn dẹp môi trường trước Đại hội Đảng và bầu cử…Tuy nhiên nhìn vào cáo trạng, nhìn vào quá trình hoạt động vi phạm pháp luật của số đối tượng này, không chỉ đơn thuận là bài viết, lời nói, cuốn sách “bất đồng chính kiến” với đường lối, chính sách cảu Đảng mà họ là những kẻ chống đối chính quyền, mưu đồ lật đổ chế độ một cách có hệ thống, có mục tiêu hoạt động rõ ràng, có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật khác nhau như lập hội nhóm trái phép, xuất bản phẩm trái phép, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước, vận động nước ngoài can thiệp công việc nội bộ Việt Nam, chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống lại chính sách, pháp luật của Nhà nước…Những kẻ này không phải thực hiện “quyền tự do ngôn luận” mà núp dưới danh nghĩa quyền này, lợi dụng nó để tuyên truyền, chống phá đất nước thực hiện mưu đồ đen tối cá nhân, tổ chức, đồng bọn.

HIỂU ĐÚNG VỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN

Quyền tự do ngôn luận đó là quyền của tất cả mọi người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, v.v.

Về nguồn gốc, quyền tự do ngôn luận báo chí được quy định trong nhiều văn kiện quốc tế và Việt Nam. Trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, cộng đồng quốc tế đã nhất trí xem quyền con người bao gồm cả quyền tự do ngôn luận báo chí như là một mục tiêu. Khoản 3, Điều 1 của Hiến chương quy định “Khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”. Sau Hiến chương Liên hợp quốc, “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Việt Nam đã gia nhập năm 1982) quy định cụ thể hơn về quyền này. Tại khoản 2, Điều 19 viết: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, …”. Như vậy, quyền này bao gồm 3 nội dung cơ bản: 1- Quyền tự do “tìm kiếm” thông tin; 2- Quyền “tiếp nhận” (đọc và nhận thức, thể hiện quan điểm của cá nhân) thông tin; 3- Quyền “truyền đạt” mọi thông tin.

Về hình thức thông tin, Công ước quy định: “không phân biệt lĩnh vực, hình thức bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật,…”. Khoản 3, Điều 19 quy định “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. DO ĐÓ, VIỆC NÀY CÓ THỂ PHẢI CHỊU MỘT SỐ HẠN CHẾ NHẤT ĐỊNH. TUY NHIÊN, NHỮNG HẠN CHẾ NÀY PHẢI ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG PHÁP LUẬT VÀ LÀ CẦN THIẾT ĐỂ: “A- TÔN TRỌNG CÁC QUYỀN HOẶC UY TÍN CỦA NGƯỜI KHÁC. B- BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA HOẶC TRẬT TỰ CÔNG CỘNG, SỨC KHỎE HOẶC ĐẠO ĐỨC CỦA XÃ HỘI”. Điều đáng chú ý là, quy định về hạn chế quyền nhằm “Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng” (Khoản b). Từ khoản b của Công ước 1966, người ta thấy quyền tự do ngôn luận báo chí tuy ở mỗi thể chế xã hội khác nhau, nhưng việc bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội…và tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác vẫn được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một nguyên tắc hạn chế quyền.

VIỆT NAM ĐÃ THỨC ĐẨY QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN PHÙ HỢP PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

Ở nước ta, quyền tự do ngôn luận báo chí từng bước được xác lập và ngày càng hoàn thiện. Năm 1945, trước khi Liên hợp quốc ra đời, tháng 10/1945, ngày 2/9/1945, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” Pháp, 1791. Trong đó, Người tái khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Như vậy, theo Tuyên ngôn độc lập 1945, mọi người đều có đầy đủ, bình đẳng về các quyền và nghĩa vụ.

Sau Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp…” (Điều 10). Các bản Hiến pháp tiếp nối Hiến pháp 1946, như: Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 đều khẳng định và mở rộng quyền tự do ngôn luận báo chí.

Công cuộc đổi mới mở đầu từ Đại hội VI (1986) đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của Việt Nam. Dựa trên Đường lối Đại hội VI, mô hình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa kiểu mới được thiết lập. Thay cho mô hình kinh tế cũ – kinh tế quan liêu bao cấp, Đại hội VI quyết định chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản chủ nghĩa. Về chính trị, mô hình đổi mới, đó là nhà nước pháp quyền, pháp luật tối thượng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Hiến pháp 2013 đã dành riêng một chương (Chương II) quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó Điều 25 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Đồng thời, Điều 25 cũng nêu nguyên tắc hạn chế quyền: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Điều 13 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Đặc biệt, khoản 3, Điều 13 quy định: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Đồng thời, Luật này cũng quy định: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Năm 1989, Quốc hội thông qua Luật Báo chí năm 1989. Mười năm sau, năm 1999, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1989. Năm 2016, Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XIII thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017).

Trong điều kiện internet, mạng xã hội quyền tự do ngôn luận báo chí bao gồm quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan (báo chí) trên internet, mạng xã hội đã được Quốc hội ta luật hóa. Luật Tiếp cận thông tin (2016 và Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/07/2013) của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng tái khẳng định định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận báo chí. Có thể nói, tiếp cận thông tin là một quyền mới. Quyền tiếp cận thông tin, bao gồm: Quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; Quyền cung cấp thông tin cho báo chí; Quyền phản hồi thông tin trên báo chí v.v… Như vậy, quyền tiếp cận thông tin không chỉ là một quyền thụ động (do cơ quan nhà nước công khai thông tin) mà còn là một quyền chủ động, quyền của người dân được đòi hỏi các cơ quan, tổ chức nhà nước đáp ứng thông tin.

Tuy nhiên, trên không gian mạng, Nhà nước ta đã có những quy định về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin và những hạn chế quyền nhất định. Theo đó, công dân có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, v.v.

Trên môi trường internet, mạng xã hội, một số kẻ nghĩ rằng trên thế giới ảo thì sự vi phạm pháp luật của chúng có thể bị các cơ quan chức năng bỏ qua. Hai trường hợp bị cơ quan chức năng bắt vừa qua là những trường hợp vi phạm pháp luật trên internet, mạng xã hội. Điều 16, Luật An ninh mạng quy định về tội: a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Chứng cứ mà các cơ quan chức năng thu thập được là các thông tin ở các tài khoản của chúng trên internet, cũng như những tài liệu còn được lưu giữ trên máy tính và điện thoại di động mà chúng đang sử dụng. Phân tích hai trường hợp vừa bị bắt cho thấy, đây là những kẻ đã từng nhiều lần vi phạm pháp luật. Hơn nữa, chúng vốn là những kẻ chống phá chế độ đã lợi dụng xã hội đang tập trung vào chống đại dịch Covid để phát tán thông tin xấu độc để thực hiện mưu đồ của mình.

NHẬN THỨC VÀ THỰC THI ĐÚNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN

Bấy lâu nay, khi nói đến quyền tự do ngôn luận, một số người suy nghĩ rằng, tự do ngôn luận là được quyền tự do nói năng, phát ngôn, bình luận, chia sẻ, phát tán thông tin mà không chịu bất cứ sự ngăn cản nào; vì thế nếu ai hạn chế quyền nói năng, phát ngôn, chia sẻ thông tin của người khác là vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.

Nhận thức như vậy là phiến diện, sai lầm và ngụy biện. Bởi trên thực tế, không có quyền tự do nào là tuyệt đối, mà chỉ có quyền tự do tương đối. Nếu để tự do tuyệt đối nghĩa là tự do vô giới hạn, vô chính phủ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây ra rối loạn xã hội. Quyền tự do ngôn luận cũng vậy. Nếu ai cũng nói năng bừa bãi, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông tin bất chấp đúng – sai, thật – giả lẫn lộn, không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình trạng rối nhiễu thông tin, mà còn có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng thông tin xã hội một cách trầm trọng, từ đó gây mất ổn định an ninh chính trị.

Thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống, kiểm soát đại dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, có một phần bắt nguồn từ việc Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hàng trăm đối tượng cố tình lợi dụng tự do ngôn luận để đăng tải, phát tán thông tin sai trái về dịch bệnh trên mạng xã hội.

Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước trên thế giới cho thấy, để bảo đảm quyền tự do ngôn luận một cách chính đáng cho công dân, nhất thiết phải tạo ra những khuôn khổ pháp lý, chế tài phù hợp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang dư luận xã hội, làm méo mó hình ảnh thể chế, chính quyền.

Tự do ngôn luận khác với ngôn luận tự do. Điều này đã được đại đa số quốc gia trên thế giới và cả Liên hợp quốc đều lưu ý trong các hiến chương, đạo luật, quy định về các quyền bảo đảm tự do ngôn luận cho con người. Điều 11, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp đã quy định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”.

Khoản 2, điều 29 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra nhằm bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Quyền đi liền trách nhiệm. Con người muốn có tự do phải hiểu rõ nghĩa vụ, bổn phận của mình được làm những gì, không được phép làm những gì. Công dân muốn được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin thì nhất thiết phải am tường, tuân thủ các quy định pháp luật để thực hiện quyền tự do của mình nhưng không được gây hại đến quyền tự do của người khác và tác động tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, an ninh trật tự xã hội.

Không thể và không bao giờ có tự do ngôn luận cho những “anh hùng bàn phím” bày tỏ ngôn luận tự do, vô trách nhiệm, cố tình đăng tải, phát tán những thông tin sai trái, bịa đặt, ăn không nói có, đổi trắng thành đen, xuyên tạc truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam, bôi nhọ anh hùng dân tộc, phỉ báng chính quyền, mà thực chất là thông qua mưu đồ sử dụng chiêu bài tự do thông tin, tự do ngôn luận để lèo lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, mục đích đen tối và tạo ra một góc nhìn sai trái về Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam.

Nguồn: Diễn đàn Dân chủ

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG